Tàu HNLMS Kortenaer trước khi chìm trong hải chiến Java năm 1942. Ảnh: Wikipedia |
Một cuộc điều tra quốc tế đang được tiến hành để tìm hiểu sự biến mất bí ẩn của ba xác tàu chiến Hà Lan chìm dưới biển Java ngoài khơi Indonesia, Guardian hôm qua đưa tin.
"Xác tàu HNLMS De Ruyter và HNLMS Java dường như đã biến mất hoàn toàn. Tàu HNLMS Kortenaer cũng mất một mảng lớn", Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết.
Cả ba chiếc tàu đều chìm trong Hải chiến Java đánh dấu thất bại thảm hại của liên quân Hà Lan, Anh, Mỹ và Australia trước quân Nhật vào tháng 2/1942. Đây là một trong những trận hải chiến tốn kém nhất trong lịch sử, tạo điều kiện cho quân Nhật chiếm đóng toàn bộ thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan. Tổng cộng 2.200 người, bao gồm 900 người quốc tịch Hà Lan và 250 người gốc Indonesia thiệt mạng cùng ba chiếc tàu chìm sau trận chiến.
Năm 2002, một nhóm thợ lặn nghiệp dư tìm thấy ba chiếc tàu chiến còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, cuộc thám hiểm mới kỷ niệm 75 năm Hải chiến Java cho thấy những xác tàu này đã biến mất. Ba tàu chiến không còn nằm dưới đáy biển dù hình ảnh sóng âm chỉ ra dấu vết của chúng.
"Chúng tôi đang điều tra để xem xét điều gì xảy ra với những xác tàu. Hành động xâm phạm nấm mồ chiến tranh là điều xúc phạm nghiêm trọng", Bộ Quốc phòng Hà Lan nhấn mạnh.
Các nhà chức trách nghi ngờ xác những tàu chiến này đã bị khai thác trái phép làm sắt vụn. Vùng biển quanh Indonesia, Singapore và Malaysia là nghĩa trang chứa hơn 100 xác tàu chiến và tàu ngầm thời chiến tranh. Trong những năm qua, nhiều người lén lút tìm kiếm vị trí tàu đắm và lấy trộm các bộ phận bằng thép, nhôm và đồng của chúng.
Một trường dạy lặn ở Malaysia từng chia sẻ trên tờ New Straits Times vào năm ngoái rằng xác tàu đắm được cho nổ tung bằng thuốc nổ, sau đó ngư dân vớt sắt vụn lên bờ đem bán.
Quân đội Mỹ năm 2014 cũng thông báo về tình trạng xâm phạm trái phép xác tàu chiến USS Houston bị chìm trong trận hải chiến eo Sunda ở biển Java. Đây là mồ chôn gần 650 thủy thủ thiệt mạng trong trận chiến này.
"Những người đã hy sinh ở đó cần được yên nghỉ", Vleugels, giám đốc Quỹ Chứng tích chiến tranh Hà Lan trả lời tờ ANP.
Xem thêm:
Phương Hoa
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét