Trong nhiều năm qua, những con khỉ sống ở đền thờ Uluwatu trên đảo Bali, Indonesia nổi tiếng với trò giật những tài sản có giá trị như kính, mũ, máy ảnh hoặc thậm chí cả tiền mặt của người đến thăm. Chỉ khi được cho thức ăn, chúng mới bỏ đi và vứt lại món đồ vừa cướp, theo New Scientist.
Fany Brotcorne, một nhà linh trưởng học ở Đại học Liège, Bỉ, và đồng nghiệp quyết định khám phá cách thức và lý do hành vi trên lan rộng trong quần thể khỉ. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 17/5 trên tạp chí Primates.
"Đó là một hành vi độc đáo. Đền thờ Uluwatu là nơi duy nhất ở Bali xuất hiện hành vi này", Brotcorne nói. Theo cô, đây là hành vi phát triển thông qua học hỏi thay vì mang tính bản năng.
Brotcorne muốn xác định liệu hành vi cướp giật trên có mang tính văn hóa hay không. Sau 4 tháng quan sát, cô phát hiện hai đàn có tỷ lệ cướp giật và đòi chuộc đồ cao nhất, chỉ ra chúng học tập hành vi thông qua quan sát lẫn nhau. Những đàn có nhiều con đực nhỏ tuổi hơn có khuynh hướng mạo hiểm hơn, cũng có tỷ lệ cướp giật cao hơn đàn khác.
Dù nghiên cứu này chỉ dựa trên một mẫu nhỏ, Brotcorne tin chắc nhóm của cô đã phát hiện bằng chứng sơ bộ đầu tiên cho thấy đây là hành vi văn hóa, lan truyền qua các thế hệ khi những con khỉ học hỏi lẫn nhau.
Trong những năm sau đó, cô thu thập thêm nhiều bằng chứng. Các thành viên của đàn khỉ thứ 5 chuyển đến khu vực xung quanh đền thờ cũng bắt đầu học cách đòi chuộc những món đồ cướp được bằng thức ăn.
Serge Wich, nhà linh trưởng học ở Đại học John Moores, Liverpool, Anh, nhận xét nghiên cứu của Brotcorne cung cấp "một ví dụ mới khá tuyệt vời về tính linh hoạt trong hành vi của loài linh trưởng để đối phó thay đổi từ môi trường". Theo Wich, phát hiện đặc biệt thú vị do hành vi tương tự không xuất hiện ở những nơi khác.
Brotcorne cho biết nghiên cứu của cô sẽ giúp các nhà khoa học hiểu hơn về tâm lý của loài linh trưởng, cách thông tin được lan truyền giữa các đàn, nhận thức của chúng về hành động bản thân và cách chúng lên kế hoạch cho tương lai. Kết quả nghiên cứu thậm chí có thể giúp trả lời những câu hỏi về quá trình tiến hóa của khả năng nhận thức ở con người.
Chính Brotcorne cũng là một nạn nhân của những con khỉ ăn trộm mà cô đang nghiên cứu. "Những con khỉ luôn tìm cách trộm mũ, bút và cả dữ liệu nghiên cứu của tôi", Brotcorne chia sẻ.
Phương Hoa
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét