Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

(Khoa học kì thú)NASA sắp công bố dấu hiệu sự sống trên vệ tinh sao Mộc

nasa-sap-cong-bo-dau-hieu-su-song-tren-ve-tinh-sao-moc

Đồ họa mô phỏng bề mặt băng đá của Europa. Ảnh: NASA.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tổ chức buổi họp báo vào 14h ngày 26/9 giờ EDT, (tức 1h ngày 27/9 theo giờ Việt Nam) tại trụ sở chính ở Washington, để công bố phát hiện mới từ những hình ảnh do kính viễn vọng vũ trụ Hubble gửi về liên quan đến đại dương trong lòng vệ tinh Europa của sao Mộc theo IBT.

Từ lâu, các nhà khoa học tin chắc Europa chứa một đại dương lỏng bên dưới lớp vỏ băng dày 15 - 20 km. Đại dương ở thể lỏng này là kết quả của quá trình tích nhiệt do thủy triều. Lực thủy triều làm cho phần bên trong của Europa ấm dần, cho phép đại dương nước lỏng tồn tại thay vì đông cứng.

Đại dương dưới bề mặt Europa thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học vì nó có khả năng chứa đựng sự sống. NASA đang lên kế hoạch cho sứ mệnh thăm dò tới Europa, với hy vọng xem xét thành phần cấu tạo đại dương, độ dày của lớp vỏ băng và địa chất học ở bề mặt vệ tinh.

"Theo hiểu biết của chúng tôi, đại dương của Europa không phải là môi trường khắc nghiệt", Kevin Peter Hand, nhà sinh học thiên văn kiêm phó trưởng nhóm phụ trách chương trình thám hiểm hệ Mặt Trời tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, cho biết.

Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu ở JPL công bố nghiên cứu cho thấy đại dương của Europa có thể giống Trái Đất về sự cân bằng năng lượng hóa học, cụ thể là tỷ lệ oxy và hydro, điều kiện hỗ trợ sự sống phát triển.

"Europa rất đặc biệt bởi khả năng có một lượng oxy dồi dào trong đại dương. Chúng tôi dự đoán lượng khí oxy cùng với hydro lớn và duy trì liên tục của Europa có thể cân bằng theo cách thức độc đáo trên những thiên thể băng đá thuộc hệ Mặt Trời. Vì lý do này, Europa có thể là nơi thuận lợi cho sự sống khởi nguồn và tiến hóa", nhóm tác giả nghiên cứu chia sẻ.

Xem thêm: 

Phương Hoa

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét