PGS.TS Vũ Thành Ca, chủ nhiệm đề tài cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường "Nghiên cứu cơ sở khoa học để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam" năm 2006 có bài viết gửi VnExpress sau khi Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Đà Nẵng) đưa ra dự án "lên trời gọi mưa" với kinh phí 5.000 tỷ đồng.
Thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây được thực hiện cuối những năm 1940. Vào những năm 1950, nhiều quốc gia đặc biệt là Mỹ và Liên Xô đã tập trung nghiên cứu vấn đề này. Khi đó, người ta bắt đầu nghĩ tới một buổi sáng có thể tỉnh giấc và bấm nút quyết định hôm nay trời mưa hay nắng, hy vọng con người có thể điều khiển được thiên nhiên.
Năm 2005, Nga rất tự tin về nghiên cứu mưa nhân tạo. Một số nhóm khoa học tại Mỹ và Israel cũng công bố phương pháp và công nghệ mới tác động lên mây làm mưa nhân tạo. Cạnh Việt Nam có Trung Quốc, Thái Lan cũng đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và triển khai nhiều dự án như vậy nhằm chống hạn, sạch không khí và nhiều mục đích khác. Nga, Trung Quốc và Thái Lan tuyên bố đã thành công dự án gây mưa nhân tạo với giá thành rất rẻ.
Thực hiện đề tài cấp bộ với kinh phí không lớn, chúng tôi nhận được hỗ trợ của nhiều cơ quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc liên hệ, sắp xếp chương trình hợp tác với các nước. Đề tài đã mời được nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới về tác động lên mây và làm mưa nhân tạo từ Mỹ, Nga sang Việt Nam phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo. Ngược lại, chúng tôi cũng sang Nga, Trung Quốc và Thái Lan để học tập kinh nghiệm.
Không chỉ Trung Quốc, Nga và Thái Lan cùng hai nhóm nhà khoa học Mỹ hợp tác với chúng tôi tuyên bố công nghệ của họ rất hiệu quả trong việc làm mưa nhân tạo và sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam. Một nhóm nhà khoa học Israel cũng chuyển giao miễn phí cho chúng tôi mô hình số trị mã nguồn mở về mô phỏng chi tiết quá trình vi vật lý mây và tác động lên mây làm mưa nhân tạo. Nó có thể được sử dụng để thực hiện các thực nghiệm số trị, tìm phương án tốt nhất để làm mưa nhân tạo.
Các nhà khoa học Mỹ ngoài việc tự túc kinh phí để sang Việt Nam hỗ trợ, còn chuyển giao miễn phí cho chúng tôi một mô hình số trị dự báo thời tiết với thời hạn cực ngắn (2 đến 3 giờ) với độ chính xác cao sử dụng các số liệu của ra đa số hóa, phục vụ nghiên cứu và tác nghiệp làm mưa nhân tạo cũng như để cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Tuy nhiên, để thực hiện "lên trời gọi mưa" trong thực tế cần lượng kinh phí rất lớn nên thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Công Thành lúc bấy giờ cần đánh giá công nghệ của các nước và báo cáo với Bộ một cách trung thực, nhóm đã tập trung vào các nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực sự của các dự án làm mưa nhân tạo.
Chúng tôi rà soát tất cả kết quả đánh giá, chủ yếu là từ Mỹ về làm mưa nhân tạo. Theo đó, việc này chỉ thành công nếu thỏa mãn ba điều kiện: Một là giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động làm mưa nhân tạo; hai là kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; ba là kết quả làm mưa nhân tạo phải được lặp lại với các điều kiện mây và tác động tương tự nhau, hay nói cách khác, công nghệ được nghiên cứu và phát triển tại vùng này phải áp dụng được một cách hiệu quả tại vùng khác.
Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với một số nhà khoa học Mỹ để làm rõ và đánh giá các kết quả, thực nghiệm làm mưa nhân tạo trước đó. Kết quả, hầu như các nghiên cứu trên thế giới đều giải thích rõ cơ chế tác động để biến mây thành mưa, nhưng không giải thích rõ được cơ chế tăng lượng mưa tới mức thương mại được khi tác động, tức là không khẳng định được hiệu quả kinh tế của việc làm mưa nhân tạo.
Khi đó các nhà khoa học Thái Lan đã xây dựng và áp dụng một công nghệ có thể tạo mây trong điều kiện trời không mây và tác động tiếp để đám mây phát triển, gây mưa. Tại một cuộc họp ở Thái Lan, trên cơ sở kết quả nghiên cứu chung với các nhà khoa học Mỹ, tôi đã chỉ ra rằng các trận mưa có lượng mưa đủ để cải thiện đáng kể tình trạng hạn hán phải có nguồn cung cấp lượng ẩm từ quá trình hoàn lưu quy mô lớn. Tác động làm mưa nhân tạo tại một quy mô rất nhỏ không thể huy động đủ lượng ẩm để tạo ra một trận mưa để làm thay đổi đáng kể tình trạng khô hạn. Hay nói một cách khác, có thể tạo mưa từ tác động, nhưng lượng mưa tạo được không hiệu quả về mặt kinh tế.
Ông Giám đốc văn phòng làm mưa nhân tạo Hoàng gia của Thái Lan đã không trả lời được câu hỏi này của tôi. Trên thực tế, phân tích các kết quả làm mưa nhân tạo tại Thái Lan cho thấy nhận định của chúng tôi là đúng.
Vì không có số liệu tại Trung Quốc, giới khoa học Mỹ đánh giá hiệu quả làm mưa nhân tạo tại các thí nghiệm, dự án thực hiện tại Mỹ, Nga, Thái Lan và Cu Ba (do Liên Xô thực hiện) không đủ độ tin cậy thống kê để khẳng định các tác động làm mưa nhân tạo làm tăng lượng mưa. Hơn nữa, cùng một công nghệ nhưng áp dụng tại các khu vực lại cho kết quả khác nhau.
Chúng tôi hợp tác với 3 nhóm nhà khoa học Mỹ. Hai nhóm đầu đề xuất công nghệ và sẵn sàng chuyển giao để làm mưa nhân tạo ở Việt Nam. Nhóm thứ ba lại nêu ra nghi ngờ về kết quả làm mưa nhân tạo và khuyến nghị chưa nên làm vì không có đủ cơ sở khoa học.
Khi chúng tôi sử dụng các kết quả nghiên cứu, đánh giá hiệu quả làm mưa nhân tạo của nhóm thứ ba để trao đổi với nhà khoa học Mỹ thuộc hai nhóm đầu, Thái Lan và Trung Quốc, tất cả đều không phản bác các kết quả này. Tuy vậy, một số nhà khoa học Nga nói với chúng tôi rằng đã và đang có những nghiên cứu đủ cơ sở khoa học để bác bỏ kết luận về hiệu quả làm mưa nhân tạo của nhóm khoa học Mỹ. Nga cũng khẳng định công nghệ của họ là hiệu quả và hứa chuyển giao cho chúng tôi các kết quả này. Về sau chúng tôi đã nhiều lần liên hệ đề nghị họ cung cấp các kết quả nhưng không thấy. Chúng tôi theo dõi rất kỹ các tạp chí quốc tế từ đó đến nay nhưng cũng không thấy các nhà khoa học Nga phản bác Mỹ.
Chúng tôi đã báo cáo kết quả nghiên cứu với Bộ Tài nguyên, lãnh đạo Bộ nhận thấy rằng hiện trình độ khoa học, công nghệ của ta còn hạn chế, phương tiện, thiết bị còn lạc hậu, trong khi phải đầu tư lượng kinh phí rất lớn nhưng chưa khẳng định được hiệu quả. Vì vậy, Bộ chỉ đạo chưa triển khai ngay dự án làm mưa nhân tạo mà tiếp tục nghiên cứu cho tới khi khẳng định được hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2006, năm kết thúc đề tài đến nay, tôi tiếp tục theo dõi các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới về tác động nhân tạo biến đổi thời tiết. Tôi khẳng định rằng các nghiên cứu chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định của chúng tôi. Vì vậy, tôi cho rằng đầu tư nghiên cứu làm mưa nhân tạo hiện nay ở Việt Nam là lãng phí vì chắc chắn là không hiệu quả.
Cách hiệu quả nhất để tác động tới tự nhiên là nghiên cứu kỹ các quy luật của nó để có tác động phù hợp, giúp quá trình tự nhiên xảy ra theo hướng có lợi cho mình. Trường hợp này, khi đủ độ ẩm hoặc có mây nhưng không mưa, tác động tạo mưa nhân tạo như một que diêm gây nên một đám cháy trên lớp cỏ khô. Nhưng khi mưa to hoặc bão thì tác động của con người không còn có tác dụng nữa vì quá trình tự nhiên gây mưa đã cực kỳ hiệu quả. Lúc này tác động của con người là quá nhỏ bé so với tự nhiên, cũng như vứt một que diêm vào một đám cháy lớn không làm đám cháy lớn hơn. Vì vậy, ý tưởng dùng tác động của con người để điều khiển các quá trình mưa lớn và bão là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không thể thực hiện được.
Ông Phan Đình Phương gửi đề án "lên trời gọi mưa" cho Văn phòng Chính phủ từ tháng 5/2016. Một dự án khác có tên "gọi nắng" cũng đã được ông gửi đi. Để ý tưởng được thực hiện, ông Phương cùng đồng nghiệp sẽ đặt hệ thống đường ống ở dưới đất hoặc trên biển, sau đó trực thăng hoặc khinh khí cầu sẽ đưa ống dẫn lên cao. Ông sẽ dùng công nghệ bùng nổ thủy khí biến nước thành hơi nước, bắn lên không trung. Hơi nước sẽ làm tích tụ các ion nước trong không khí và tạo mây gây mưa. Nếu có mây thì phun thẳng vào những đám mây này, mây nặng sẽ rơi xuống làm mưa. |
PGS.TS Vũ Thành Ca
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét