Colin Zestcott (trái) và Uri Lifshin cho rằng nỗi sợ cái chết có thể nâng cao phong độ thi đấu của vận động viên. Ảnh: University of Arizona. |
Uri Lifshin, nghiên cứu sinh tâm lý học, Đại học Arizona, Mỹ và các đồng nghiệp kết luận mối đe dọa về cái chết và cơ chế bộ não sử dụng để phủ nhận mối đe dọa này có thể khiến các vận động viên thi đấu tốt hơn, UPI hôm 31/10 đưa tin.
"Tiềm thức của con người luôn cố tìm cách để đánh bại cái chết, khiến cái chết không còn là vấn đề khó khăn. Giải pháp được đưa ra chính là lòng tự tôn. Lòng tự tôn khiến bạn có cảm giác mình là một phần của thứ gì đó to lớn hơn, có cơ hội bất tử và sự tồn tại của bạn mang ý nghĩa nhất định", Lifshin giải thích.
Để tìm hiểu cách nỗi sợ về cái chết của một người có thể ảnh hưởng đến hoạt động đem lại lòng tự trọng cho họ, nhóm nghiên cứu tuyển những người đàn ông tham gia vào một trò chơi bóng rổ.
Zestcott chơi bóng rổ một đối một với những người tham gia nghiên cứu. Giữa hai trận đấu, một nửa trong số họ nhận bản câu hỏi và chuỗi nhiệm vụ nhằm gợi ra suy nghĩ về cái chết. Những người còn lại được yêu cầu nghĩ về bóng rổ. Kết quả cho thấy, những người được gợi nhắc về cái chết có phong độ cao hơn trong trận sau.
Trong thí nghiệm thứ hai, Zestcott sử dụng lời nhắc khéo léo hơn. Anh mặc chiếc áo sơ mi in nhiều chữ "chết" trong khi giải thích về luật chơi của một cuộc thi bắn súng đơn giản. Cũng như thí nghiệm đầu, chỉ một nửa số người tham gia thí nghiệm nhìn thấy chiếc áo này. Kết quả là những người nhìn thấy chữ "chết" trên áo sơ mi thi đấu tốt hơn những người khác 30%.
"Họ bắn nhiều hơn, tốt hơn, xô đẩy nhiều hơn và chạy nhanh hơn", Lifshin nói.
Kết quả này giúp củng cố giả thuyết về sự điều khiển nỗi sợ, cho rằng con người giảm bớt nỗi sợ về cái chết bằng cách phát triển lòng tự tôn hoặc liên tưởng đến sự bất tử.
Nhóm nghiên cứu cho rằng nhiều huấn luyện viên đã vô tình sử dụng giả thuyết này để kích thích đội của họ. Việc nhắc nhở đội tuyển về tài sản của họ, cũng như phong độ thi đấu có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của họ như thế nào nhiều khả năng có tác động tương tự.
"Đây là phương pháp tiềm năng nhằm tạo động lực cho các vận động viên nhưng nó cũng có thể kích thích những người hoạt động trong các lĩnh vực khác. Ngoài thể thao, chúng tôi nghĩ giả thuyết này có mối quan hệ mật thiết với các nhiệm vụ liên quan tới hiệu suất khác, ví dụ như công việc. Vì thế, chúng tôi rất hào hứng về triển vọng của nghiên cứu này", Zestcott chia sẻ.
Xem thêm:
Hiền Anh
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét