Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

(Khoa học kì thú)NASA phóng vệ tinh tỷ USD để dự báo thời tiết

nasa-phong-ve-tinh-ty-usd-de-du-bao-thoi-tiet

NASA phóng thành công vệ tinh GOES-R trị giá 1,2 tỷ USD. Ảnh: NASA.

NASA vừa phóng thành công vệ tinh GOES-R trị giá 1,2 tỷ USD nhằm cải thiện công tác dự báo và cảnh báo thời tiết, gia tăng cơ hội cứu sống con người, Independent hôm nay đưa tin. Đây là một phần của dự án trị giá 11 tỷ USD giúp theo dõi các cơn bão, lốc xoáy, lũ lụt, mây tro núi lửa và cháy rừng ở Mỹ. 

Vệ tinh GOES-R sẽ tới quỹ đạo xích đạo được định sẵn ở độ cao khoảng 35.888 km trong hai tuần. Sau khi hoàn tất kiểm tra, nó sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng một năm tới. 

Đây là vệ tinh đầu tiên được phóng kể từ năm 2010 và có tính năng vượt xa các vệ tinh trước đây. Nó có thể gửi hình ảnh trọn vẹn của Tây bán cầu trong mỗi 15 phút, thay vì khoảng thời gian 30 phút như hiện nay. Vệ tinh cũng sẽ gửi hình ảnh lục địa Mỹ cách mỗi 5 phút với hình ảnh của khu vực cụ thể được cập nhật 5 giây/lần.

GOES-R được hy vọng sẽ cải thiện công tác dự báo và cảnh báo thời tiết, từ đó giúp người dân có thêm thời gian sơ tán trước bão.

"Nếu chúng tôi có thể dự báo bão sớm hơn khoảng 10-20 phút thì sẽ có thêm nhiều người dân được cứu sống", AI Roker, nhà khí tượng học của đài NBC, cho biết.

Sandra Caufman, phó giám đốc Ban Khoa học Trái Đất của NASA, nhận xét vệ tinh mới là một "bước nhảy vọt" và nó sẽ "tạo cuộc cách mạng thực sự trong việc dự báo thời tiết".

"Việc phóng vệ tinh GOES-R là một bước tiến quan trọng trong khả năng của chúng tôi nhằm cung cấp thông tin chính xác và kịp thời hơn. Đây là những yếu tố quyết định trong dự báo và cảnh báo thời tiết, giúp gia tăng cơ hội cứu sống con người", Thomas Zurbuchen, thành viên Ban sứ mệnh Khoa học của NASA, chia sẻ.

Thông tin từ vệ tinh cũng sẽ giúp các phi công tránh khu vực thời tiết xấu, hoặc giúp các nhà khoa học xác định thời điểm phóng tên lửa thích hợp. Nó cũng sẽ là một phần của Hệ thống Theo dõi Vệ tinh Phục vụ Công tác Tìm kiếm, Cứu hộ Quốc tế (SARSAT), có thể phát hiện tín hiệu báo nguy từ đèn hiệu khẩn cấp.

Xem thêm: 

Hiền Anh

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét