Phương pháp nhận diện axit amin là công cụ hiệu quả để tìm kiếm dấu vết sự sống ngoài Trái Đất. Ảnh: Viện Công nghệ California. |
Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California, Mỹ, tạo ra một công cụ phân tử mới có thể dò tìm dấu hiệu sự sống ngoài hành tinh, với độ nhạy cao hơn những công cụ trước đó được dùng trong nhiều sứ mệnh bay vào không gian. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí ACS Analytical Chemistry tháng 12/2016, theo Knowridge.
Nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp phân tích mẫu vật dựa trên kỹ thuật điện di mao quản (Capillary Electropherosis - CE). Nó cho phép nhận diện đồng thời 17 axit amin với độ nhạy cao. Axit amin là thành phần quan trọng cấu tạo nên tất cả sinh vật trên Trái Đất. Sự hiện diện của các axit amin có thể khẳng định sự tồn tại hiện nay hoặc trước đó của sự sống trên Mặt Trăng, sao Hỏa và những thiên thể khác.
Các nhà khoa học thử nghiệm thành công phương pháp trên khi phân tích mẫu vật lấy từ hồ Mono, California, Mỹ. Đây là một hồ nước mặn, môi trường chứa muối tương tự như trên sao Hỏa và nhiều mặt trăng trong hệ Mặt Trời.
Theo Irish News, phương pháp CE sẽ được dùng trong các sứ mệnh không gian tương lai gần, nhằm nghiên cứu mặt trăng Enceladus của sao Thổ và mặt trăng Europa của sao Mộc.
Cuộc săn lùng người ngoài hành tinh đã thu hút nhiều sự chú ý của giới khoa học và người dân trong thời gian qua. Kính viễn vọng không gian, robot thám hiểm tự hành, là hai trong những phương tiện quan trọng để thực hiện công việc này.
Lê Hùng
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét