Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

(Khoa học kì thú)NASA công bố hai sứ mệnh khám phá nguồn gốc hệ Mặt Trời

nasa-cong-bo-hai-su-menh-kham-pha-nguon-goc-he-mat-troi

Hai sứ mệnh Lucy và Psyche sẽ giúp các nhà khoa học NASA giải mã nguồn gốc hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA.

Trong buổi họp báo từ xa diễn ra lúc 4 giờ sáng nay, NASA cho biết hai sứ mệnh mang tên Lucy và Psyche có khả năng mở ra những cánh cửa mới về thuở sơ khai trong lịch sử hệ Mặt Trời, khoảng thời gian chưa đến 10 triệu năm sau khi Mặt Trời ra đời, theo Seeker.

Hai sứ mệnh được lựa chọn từ 5 đề án cuối cùng và đang bước vào giai đoạn lên kế hoạch với mục tiêu phóng tàu thăm dò vào năm 2021 và 2023.

"Lucy sẽ ghé thăm môi trường của các tiểu hành tinh Trojan bí ẩn thuộc sao Mộc, trong khi Psyche sẽ nghiên cứu một tiểu hành tinh kim loại độc đáo chưa từng được khám phá trước đây", Thomas Zurbuchen, phó quản lý ban Sứ mệnh khoa học của NASA, cho biết. "Đây là mục tiêu các sứ mệnh trong chương trình Discovery nói chung, đến những nơi chúng ta chưa bao giờ có đột phá khoa học".

Lucy, tàu vũ trụ điều khiển tự động đặt theo tên bộ xương vượn cái 3,2 triệu năm tuổi, được lên lịch phóng vào tháng 10/2021. Chiếc tàu sẽ phóng đến mục tiêu đầu tiên là một tiểu hành tinh ở vành đai chính nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc năm 2025. Từ năm 2027 đến 2033, Lucy sẽ thám hiểm 6 tiểu hành tinh Trojan khác. Những tiểu hành tinh này bị lực hấp dẫn của sao Mộc hút vào quỹ đạo hành tinh. Chúng được cho là dấu tích của thời kỳ đầu trong lịch sử hệ Mặt Trời và hình thành từ rất lâu bên ngoài quỹ đạo sao Mộc.

"Đây là một cơ hội độc đáo", Harold F. Levison, nhà nghiên cứu chủ chốt trong sứ mệnh Lucy ở Viện nghiên cứu Southwest tại Boulder, Colorado, Mỹ, nhận xét. "Do Trojan là tàn dư của vật chất nguyên thủy tạo nên những hành tinh ở vành ngoài, chúng nắm giữ những bằng chứng quan trọng để giải mã lịch sử hệ Mặt Trời. Lucy, giống như hóa thạch người vượn mà nó được đặt tên theo, sẽ cách mạng hóa hiểu biết về nguồn gốc của chúng ta".

Tiểu hành tinh kim loại tên Psyche sẽ trở thành mục tiêu ghé thăm của tàu vũ trụ cùng tên dự kiến phóng vào năm 2023. Tiểu hành tinh này nằm xa gấp ba lần khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất, có đường kính khoảng 209 km. Không giống những tiểu hành tinh băng hoặc đá khác, Psyche tạo thành hoàn toàn từ kim loại sắt - niken, tương tự lõi Trái Đất.

Các nhà khoa học cho rằng Psyche có thể ra đời dưới dạng một hành tinh kích thước lớn ngang sao Hỏa, bị mất dần lớp vỏ đá bên ngoài khi va chạm với những tiểu hành tinh khác cách đây hàng tỷ năm.

"Loài người đã đến những thiên thể đá, băng và khí, nhưng chúng ta chưa bao giờ quan sát một thiên thể kim loại", nhà địa chất học hành tinh Lindy Elkins-Tanton ở Đại học Arizona tại Tempe, cho biết.

Ngoài sứ mệnh Lucy và Psyche, NASA sẽ tiếp tục đầu tư và kéo dài dự án Near Earth Object Camera (NEOCam) thêm một năm. Kính viễn vọng vũ trụ NEOCam được thiết kế để khảo sát những vùng không gian gần quỹ đạo Trái Đất nhất, nơi có khả năng tìm ra những tiểu hành tinh nguy hiểm.

Chương trình Discovery bắt đầu từ năm 1992 với nguồn quỹ 450 triệu USD, tập trung vào lý giải những câu hỏi về hệ Mặt Trời thông qua các sứ mệnh kinh phí thấp. "Discovery cung cấp cho các nhà khoa học cơ hội để mở rộng hiểu biết và tìm ra những phương pháp tân tiến để giải mã bí mật về hệ Mặt Trời", NASA cho biết.

Phương Hoa

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét