Sáng 30/9, tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đã khai mạc hội thảo “Tự chủ đại học – Cơ hội và thách thức”. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cùng đông đảo đại diện các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của tự chủ đại học. Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong đổi mới giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học, mục đích là để các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới của xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Phó Thủ tướng phân tích: “Chúng ta cần nhận thức cho đúng bản chất của tự chủ đại học. Thậm chí, có ý kiến còn thiên về góc độ tài chính. Hoặc thậm chí cho rằng, trường nào đó được trao cơ chế tự chủ đại học thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư vào đó. Điều này là không đúng”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra dẫn chứng như Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn được nhận khoản vay 50 triệu USD, ngoài ra còn có các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, dù đã được trao cơ chế tự chủ đại học, nhưng Nhà nước vẫn đứng ra vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển.
Một thực tế khác của nền giáo dục đó là chất lượng đào tạo hàng vạn cử nhân, thạc sĩ học xong nhưng chưa có việc, Phó thủ tướng cho rằng: Nếu chúng ta có đội ngũ các cử nhân cho ra cử nhân, kỹ sư cho ra kỹ sư thật đông đảo thì đây thực sự sẽ là nguồn thu hút đầu tư rất mạnh, rõ nét đối với thị trường. Đồng thời, tăng tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới hệ thống và sáng tạo quốc gia, mới cải thiện được tình hình hiện tại.
“Tôi có một người bạn là giáo sư có hỏi, Đại học Harvard là trường tư nhân và đó là của ai? Tôi cười và nói đó là của nước Mỹ. Nhưng người bạn tôi đã nói rằng đó là câu trả lời sai. Đại học Harvard là của nhân loại”, Phó Thủ tướng kể một câu chuyện để chỉ ra rằng, giáo dục không hướng tới tính sở hữu cá nhân mà nó hướng tới cả cộng đồng, cả nhân loại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý: Trường đại học là môi trường cần sự khai phóng, sáng tạo, có mặt bằng trình độ, hiểu biết cao. Tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm và trao quyền tự chủ đại học cho 14 trường đại học, cao đẳng và học viện. Tự chủ đại học thường được thể hiện ở 3 khía cạnh chính, bao gồm: Tự chủ về chuyên môn (liên quan đến dạy và học); Bộ máy tổ chức nhân sự; Thu chi tài chính. Chúng ta cần nhìn nhận cho đúng bản chất của tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ là tự chủ về tài chính. Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn, trách nhiệm xã hội càng cao. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động và với công chúng, với Nhà nước. Tự chủ đại học, quyền tự chủ của nhà trường sẽ được trao cho một “Hội đồng trường” chứ không chỉ là của riêng một cá nhân nào khác”.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả.
GS, TS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Câu chuyện tự chủ đại học không lạ trên thế giới nhưng chưa quen ở nước ra. Ở các nước, không có vấn đề nên hay không nên mà coi đó là một thuộc tính của giáo dục đại học, đã được quy định thành luật pháp. Vấn đề còn lại là nên tự chủ thế nào để có hiệu quả nhất. Còn ở nước ta, vừa phải tiếp tục thuyết phục nhau nên tự chủ đại học, vừa nghiên cứu cách thức tự chủ phù hợp với hoàn cảnh và thế chế chính trị".
Công Luân
Tin giáo dục 24/7 hàng giờ sẽ được cập nhật hàng ngày trên chuyên trang giáo dục. Chúc các bạn một ngày làm việc nhiều năng lượng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét