Ba chú cá mập con được sinh ra mà không có bố
Con cá mập vằn mang tên Leonie sống tại viện hải dương ở Queensland, Australia là trường hợp cá mập chuyển từ sinh sản hữu tính sang sinh sản vô tính đầu tiên trên thế giới, Science Alert hôm qua đưa tin.
Leonie trước đó sinh hơn 20 con non với cá mập đực tên Leo. Tuy nhiên, năm 2013, Leo được chuyển sang bể mới. Cá mập cái từ đó không giao phối với con đực khác.
Tháng 4/2016, Leonie bất ngờ sinh ba con cá mập tên Cleo, CC và Gemini. "Chúng tôi cho rằng nó có thể cất giữ tinh trùng nhưng kết quả kiểm tra con non cho thấy chúng chỉ mang tế bào lấy từ mẹ", Christine Dudgeon, nhà nghiên cứu y sinh làm việc tại trường Đại học Queensland, Australia, cho biết.
Một số loài có thể sinh sản vô tính, hay còn gọi sinh sản đơn tính (parthenogenesis). Quá trình này cho phép phôi phát triển mà không cần thụ tinh. Sinh sản đơn tính chủ yếu xảy ra ở thực vật và động vật không xương sống. Ngoài ra, chúng cũng xuất hiện ở một số động vật có xương sống như cá mập và thằn lằn.
Tuy nhiên, trường hợp của Leonie khiến các nhà khoa học chú ý bởi đây là lần đầu tiên họ phát hiện một con cá mập chuyển từ sinh sản hữu tính sang sinh sản vô tính. Những con cá mập được ghi nhận trước đây đều sinh sản vô tính ngay từ khi trưởng thành.
Con cá mập vằn ở Australia chuyển từ sinh sản hữu tính sang sinh sản vô tính. Ảnh: Tourism and Events Queensland. |
Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây ra sự chuyển đổi ở Leonie là do nó bị giam cầm. "Leonie thích nghi với môi trường sống mới. Nó thay đổi hình thức sinh sản vì bị mất bạn tình", Dudgeon nhận định.
Khả năng sinh sản đơn tính có thể là cơ chế sinh tồn khi thiếu con đực nhưng nó cũng mang nhiều hạn chế. Con non sinh ra bị thiếu hụt đa dạng di truyền, chỉ nhận được một nửa gene từ mẹ.
"Đây không phải là phương thức tốt về lâu dài. Động vật cần trao đổi gene và gia tăng sự đa dạng di truyền để thích nghi với môi trường mới liên tục thay đổi", Dudgeon trả lời ABC.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, đây là cách tốt nhất để duy trì đa dạng di truyền của động vật. "Đó có thể là cơ chế chờ. Gene từ mẹ được truyền cho các con cá mập cái cho tới khi có con đực để phối giống", Dudgeon trả lời New Scientist.
Nhóm nghiên cứu dự kiến theo dõi cá mập con để xác định chúng có khả năng sinh sản với con đực khi trưởng thành hay không.
Hiền Anh
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét