Sao Mộc là hành tinh lâu đời nhất trong hệ Mặt Trời. Ảnh: NASA. |
Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, Đại học Münsterin, Đức, đưa ra bằng chứng mới cho thấy sao Mộc là hành tinh đầu tiên hình thành bên trong đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời, theo UPI. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) ngày 12/6.
Bằng cách phân tích đồng vị vonfram và molypden trong các thiên thạch sắt, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng được tạo thành từ hai loại vật liệu khí và bụi khác nhau, cùng tồn tại nhưng vẫn tách biệt với nhau sau khi hệ Mặt Trời hình thành khoảng một đến 3 triệu năm.
"Cơ chế hợp lý nhất để giải thích cho sự ngăn cách này là quá trình hình thành sao Mộc, tạo ra một khoảng trống trong đĩa khí và bụi quay xung quanh Mặt trời, khiến hai nguồn vật liệu này không bị hòa trộn với nhau", Thomas Kruijer, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Kruijer cho biết, lõi rắn sao Mộc hình thành trước khi lượng khí bụi của tinh vân Mặt Trời bị tiêu tan. Điều này phù hợp với mô hình bồi tụ lõi trong quá trình tạo ra hành tinh khí khổng lồ.
Theo Science Daily, lõi rắn của sao Mộc tăng lên bằng 20 lần khối lượng Trái Đất trong vòng một triệu năm, tiếp đó tăng lên bằng 50 khối lượng Trái Đất cho đến ít nhất là 3-4 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời hình thành. Dù mô phỏng về sự tiến hóa của hệ Mặt Trời dự đoán sao Mộc là hành tinh được sinh ra đầu tiên, các nhà thiên văn học vẫn chưa thể đưa ra thời điểm chính xác sao Mộc hình thành.
Khối lượng và lực hút khổng lồ của sao Mộc có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống hành tinh trong hệ Mặt Trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự ra đời sớm của sao Mộc ngăn cản sự hình thành của bất kỳ siêu Trái Đất nào.
Lê Hùng
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét