Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

(Khoa học kì thú)Loài người đã rụng đuôi tới hai lần như thế nào?

loai-nguoi-da-rung-duoi-toi-hai-lan-nhu-the-nao

Bào thai người 5 tuần tuổi với phần đuôi rõ ràng. Ảnh: Shutterstock.

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Current Biology cho thấy tổ tiên loài người mất đuôi tới hai lần trong đời, theo Live Science. Khám phá này giúp giải thích việc con người không còn đuôi, cũng như hé lộ nguyên nhân khiến người bắt đầu sự sống với một cái đuôi và biến mất dần khi lớn lên.

"Đuôi là đặc điểm từ tổ tiên của động vật có xương sống. Chúng được tìm thấy ở bào thai non, rất khó để loại bỏ mà không gây tổn hại tới thai nhi. Kết quả là cả cá và con người đều giữ lại cái đuôi này, nhưng nó bị ẩn đi bên dưới lớp da, giống như đôi chân của cá voi", phó giáo sư Lauren Sallan, tác giả nghiên cứu cho biết.

Nguồn gốc của phần đuôi tiêu biến này bắt đầu từ loài cá. Sallan đã phân tích hóa thạch 350 triệu năm tuổi của cá Aetheretmon mới nở. Đây là tổ tiên xa của các động vật trên cạn hiện nay, nó có đuôi cá thông thường và một vây đuôi mềm dẻo nằm chồng lên nhau.

Hai cấu trúc này hoàn toàn tách biệt với nhau. Khi so sánh mẫu Aetheretmon mới nở với cá trưởng thành, Sallan phát hiện ra hai phần đuôi này khởi đầu cạnh nhau, sau đó phát triển độc lập. Khám phá này đã phá vỡ các hiểu biết khoa học trong 200 năm qua, cho rằng vây đuôi của cá ngày nay mọc từ cuối phần đuôi cổ đại.

Sự tách biệt cho thấy hai cái đuôi đi theo hướng tiến hóa khác nhau. Loài cá đánh mất phần đuôi dài và giữ lại đuôi mềm dẻo để tăng khả năng bơi trong nước. Việc chỉ còn vây đuôi như hiện tại giúp cá thực hiện các chuyển động tinh tế hơn.

Những con cá tiến hóa thành động vật lưỡng cư và sau đó sống trên cạn lại đánh mất phần vây đuôi mềm dẻo, trong khi vẫn giữ lại cái đuôi dài. Qua thời gian, nó trở thành cái đuôi ngắn trên loài chó, mèo và nhiều động vật hiện đại khác.

Loài linh trưởng, bao gồm cả tổ tiên con người, tiến thêm một bước xa hơn trong việc rụng đuôi. Theo Sallan, việc loại bỏ xương đuôi giúp cải thiện chuyển động ở tư thế đứng thẳng. Giống loài cá, tàn tích của xương đuôi con người nằm ở phần lưng dưới. Nó bị kìm hãm bởi không có tín hiệu kích thích sinh trưởng, giống trường hợp của tay và chân.

Bào thai người và cá sử dụng cơ chế kiểm soát đuôi tương tự nhau, bởi vậy con người trong quá trình tiến hóa đã rụng đuôi hai lần, một lần là chiếc đuôi mềm dẻo của loài cá, và sau đó là chiếc đuôi dài của động vật trên cạn.

Phó giáo sư Sallan cho rằng loài tổ tiên loài vượn đã rụng đuôi từ khi bắt đầu đi bằng hai chân. Loài khỉ di chuyển theo cách này thường có đuôi cụt, chứng tỏ rằng chiếc đuôi dài có thể gây khó khăn trong quá trình đứng thẳng.

Tử Quỳnh

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét