Thứ tư, 28/12/2016 | 09:00 GMT+7
|
Thứ tư, 28/12/2016 | 09:00 GMT+7
Đuôi khủng long có lông vũ, mô tim cá cổ đại, hóa thạch Quái vật hồ Loch Storr là ba trong số những phát hiện thú vị về hóa thạch năm 2016.
Nhà cổ sinh vật học Lida Xing phát hiện đuôi khủng long có lông vũ trong khối hổ phách mua ở Myanmar. Chiếc đuôi 99 triệu năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn là phát hiện quan trọng giúp cung cấp thông tin về quá trình tiến hóa của các loài có lông vũ. Ảnh: RSM/R.C.McKellar.
Bộ xương khủng long dài 37 m, thuộc nhóm thằn lằn hộ pháp, bắt đầu được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ hôm 15/1 là loài khủng long lớn nhất từng được tìm thấy. Nó có thể nặng tới 70 tấn với phần xương đùi nặng khoảng 453 kg. Ảnh: D.Finnin.
Hàng nghìn mẫu vật loài Tullimonstrum gregarium, hay còn gọi quái vật Tully, được tìm thấy trong đá ở bang Illinois, Mỹ đã gây tranh cãi hơn 60 năm qua bởi các nhà cổ sinh vật học không xác định được phân loài động vật chung của nó. Tháng 5 năm nay, sau khi nghiên cứu hình thái học của hơn 1.200 mẫu vật, nhà cổ sinh vật học Victoria McCoy xác định quái vật Tully là loài động vật có xương sống và có liên quan tới bộ cá mút đá không hàm. Ảnh: Sean McMahon.
Các nhà khảo cổ học Tây Ban Nha đã rất vui mừng khi phát hiện hai mảng da lớn của loài khủng long chân thằn lằn tại làng Vallcebre, Barcelona. Phần da 66 triệu năm tuổi cho thấy hình ảnh chi tiết về loài khủng long lớn trước khi chúng tuyệt chủng. Ảnh: Victor Fondevilla/UAB.
Các nhà cổ sinh vật học Brazil nhận dạng thành công mô tim lâu đời nhất từng được tìm thấy trong mẫu vật loài cá Rhacolepis buccalis 113 triệu năm tuổi. Mẫu vật này sẽ giúp họ nghiên cứu quá trình tiến hóa của tim ở động vật có xương sống. Ảnh: eLife.
Hóa thạch loài bò sát biển Ichthyosaurs, hay còn gọi Quái vật hồ Loch Storr, được các nhà cổ sinh vật học Scotland bóc tách thành công từ một khối đá cổ đại lớn hồi tháng 9 năm nay. Đây là một trong những hóa thạch hoàn chỉnh nhất của sinh vật biển thuộc kỷ Jura được tìm thấy ở Anh. Ảnh: Todd Marshall.
Trước đây, loài bò sát biển Atopodentatus, sống trong kỷ Trias, được cho là có những chiếc răng nhọn nhỏ và kiếm ăn bằng cách lọc các hạt vật chất và thực phẩm trôi nổi trong nước. Tuy nhiên, một mẫu vật mới được khai quật ở Trung Quốc cho thấy chúng có miệng dài giúp cạo và hút thực vật dưới đáy biển. Do đó, đây là loài bò sát biển ăn cỏ lâu đời nhất từng được phát hiện. Ảnh: Y.Chen.
Bộ xương khủng long được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ
Hiền Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét