Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

(Khoa học kì thú)Những sự kiện khoa học đáng chú ý nhất năm 2017

Thám hiểm không gian

Năm 1997, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), NASA và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) phóng tàu vũ trụ Cassini để nghiên cứu sao Thổ, hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt Trời. Tàu vũ trụ Cassini không chỉ giúp giới khoa học chụp ảnh sao Thổ, nó còn cung cấp nhiều dữ liệu khác về các vệ tinh của hành tinh này.

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017

Tàu vũ trụ Cassini nghiên cứu sao Thổ. Ảnh: NASA.

Tháng 12/2016, tàu Cassini bắt đầu nhiệm vụ bay lướt qua vành đai sao Thổ. Sau đó, nó sẽ tiến vào vành đai ngoài của sao Thổ khoảng 20 lần, mỗi lần 7 ngày cho tới tháng 4/2017 để quan sát một số vệ tinh nhỏ, đồng thời lấy mẫu phân tử và chất khí tại vành đai để phân tích. Tháng 9/2017, tàu Cassini dự kiến lao vào bầu khí quyển sao Thổ và ngừng hoạt động sau khi gửi toàn bộ dữ liệu quan trọng về Trái Đất.

Trong năm 2017 tàu vũ trụ Juno của NASA đang bay quanh quỹ đạo sao Mộc cũng sẽ tiếp tục gửi thêm những hình ảnh ngoạn mục về hành tinh này.

Tàu vũ trụ Juno được trang bị nhiều công cụ khoa học hiện đại. Nó có nhiệm vụ quét hồng ngoại để đo bức xạ nhiệt phát ra từ sâu trong bầu khí quyển sao Mộc. Juno sẽ lập bản đồ từ trường và thăm dò phía sau vùng khí quyển hỗn loạn của hành tinh này để tìm dấu hiệu của lõi đặc bên trong. 

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017-1

Tàu vũ trụ Juno tiếp cận sao Mộc. Ảnh: NASA.

Tháng 2/2017, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ phóng vệ tinh CHEOPS để tìm kiếm ngoại hành tinh. CHEOPS được trang bị máy ảnh có độ phân giải cao, cho phép giới khoa học phân tích kỹ hơn về các thiên thể phát hiện được.

Đến cuối năm sau, NASA dự kiến phóng vệ tinh TESS để quét toàn bộ bầu trời bằng 4 máy ảnh, nhằm tìm kiếm các hành tinh bay xung quanh những ngôi sao sáng nhất ngoài hệ Mặt Trời. NASA hy vọng TESS sẽ phát hiện hơn 3.000 ngoại hành tinh, từ hành tinh khí khổng lồ cho đến hành tinh đá kích thước nhỏ.

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017-2

Hình minh họa vệ tinh TESS của NASA. Ảnh: NASA.

Năm 2017 là năm cuối cùng trong cuộc chạy đua giành giải thưởng Lunar X Prize do Google tài trợ. Đây là cuộc thi nhằm khuyến khích các nhóm nghiên cứu có vốn tài trợ tư nhân tiếp cận và thăm dò không gian. Nhiệm vụ của các nhóm tham gia là đưa robot thăm dò lên Mặt Trăng, di chuyển 500 m và quay lại video với độ nét cao. Đội đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ sẽ nhận giải thưởng 20 triệu USD.

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017-3

Robot thăm dò của Nhật Bản dự kiến tham dự cuộc thi Lunar X Prize của Google. Ảnh: Ispace Inc.

Thiên văn học

Hiện tượng nhật thực toàn phần hiếm có sẽ diễn ra vào ngày 21/8/2017, lần đầu tiên kéo dài từ bờ biển phía đông sang bờ biển phía tây nước Mỹ trong 99 năm qua. Hiện tượng nhật thực một phần có thể được quan sát ở các khu vực khác của Bắc Mỹ, Hawaii và một số vùng phía bắc Nam Mỹ.

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017-4

Đường đi của nhật thực toàn phần tại Mỹ vào ngày 21/8/2017. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học trong năm tới sẽ sử dụng Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (Event Horizon Telescope) để quét khu vực trung tâm dải Ngân Hà. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh đầu tiên của lỗ đen siêu lớn mang tên Sagittarius A ở trung tâm dải Ngân Hà.

Trong năm 2017, giới khoa học hy vọng sẽ tìm ra lời giải đáp cho bí ẩn về ngôi sao KIC 8462852, hay còn gọi là "Ngôi sao Tabby", cách Trái Đất khoảng 1.500 năm ánh sáng. Tháng 11/2015, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhận thấy hơn 20% ánh sáng của ngôi sao bị một vật rất lớn cản lại. Nhiều người cho rằng nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh xây dựng cấu trúc khổng lồ quanh ngôi sao để khai thác năng lượng của nó.

nhung-su-kien-khoa-hoc-dang-chu-y-nhat-nam-2017-5

FAST là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới. Ảnh: Xinhua.

Các nhà thiên văn Trung Quốc cũng sẽ sử dụng Kính viễn vọng Hình cầu Khẩu độ 500 m (FAST) lớn nhất thế giới để nghiên cứu ẩn tinh và thiên thể khác trong vũ trụ. FAST được hoàn thành năm 2016 tại vùng lòng chảo đá vôi thuộc huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu. Nó có thể phát hiện tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu của sự sống từ những hành tinh xa xôi trong vũ trụ.

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét