Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

(Khoa học kì thú)32 đội tranh tài trong vòng chung kết Robocon 2017

Ngày 27/4, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo về vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon 2017). Qua vòng sơ loại, đến vòng chung kết sẽ có 32 đội tuyển đến từ 10 đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thi tài.

32-doi-tranh-tai-trong-vong-chung-ket-robocon-2017

Ông Đỗ Quốc Khánh thông tin vòng chung kết Robocon 2017 sẽ diễn ra từ 9/5 đến 14/5 tại Ninh Bình. Ảnh: Thanh Tâm

Cuộc thi Robocon năm nay có tên gọi “Chinh phục đĩa bay”, dựa trên một trò chơi dân gian của Nhật Bản, đất nước đăng cai tổ chức cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương năm 2017.

Các trận đấu trong Robocon - Chinh phục đĩa bay sẽ có tính tương tác cao, hấp dẫn về mặt hình ảnh khi robot phải chinh phục các khu vực đáp đĩa. Sân thi đấu sẽ có 7 vị trí đáp đĩa với các cột có độ cao riêng. Mỗi vị trí có một quả bóng đặt trên đó. Nhiệm vụ của các robot là ném đĩa chính xác để làm rơi quả bóng, sau đó ném các đĩa lên khu vực đáp đĩa để ghi điểm.

Với đề thi năm nay, yếu tố quan trọng để robot chinh phục các vị trí đáp đĩa là phải có cơ cấu bắn đĩa chuẩn xác. Anh Nguyễn Việt Phú, thành viên ban điều hành và tổ chức thi đấu vòng loại, nhận định các đội tuyển dự thi năm nay có những thiết kế robot rất thông minh, đáp ứng tốt yêu cầu của đề thi.

Anh Phú cho biết vòng loại cho thấy đội tuyển đến từ các trường có truyền thống thi đấu Robocon như Đại học Sao Đỏ, Lạc Hồng hay Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên vẫn thể hiện tốt sức mạnh. "Tuy nhiên, chất lượng robot của các đội có thể thay đổi trong thời gian từ vòng loại đến vòng chung kết nên khó dự đoán kết quả", anh Phú nói và thông tin thêm Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng là một ẩn số khi lần đầu tham dự đã tiến nhanh vào vòng chung kết.

32-doi-tranh-tai-trong-vong-chung-ket-robocon-2017-1

Hình ảnh trong trận chung kết Robocon năm 2016. Ảnh: BTC

Nói về điểm mới của cuộc thi năm nay, ông Đinh Đắc Vĩnh, Trưởng ban giám khảo, cho biết thay vì những động tác quen thuộc như bê, đỡ, đặt thì robot năm nay phải thực hiện động tác ném đĩa. "Động tác mới này buộc các đội tuyển phải đưa ra những giải pháp công nghệ mới sao cho robot hoạt động hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất có thể", ông Vĩnh nói. 

Bên cạnh đó, nếu như mọi năm, các đội tuyển thường phải chuẩn bị hai robot bao gồm robot điều khiển bằng tay và robot tự động thì năm nay, các đội chỉ phải thiết kế một robot và được toàn quyền lựa chọn loại robot phù hợp với chiến thuật và năng lực của từng đội.

Trưởng ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, Phó ban tổ chức vòng chung kết Robocon 2017, ông Đỗ Quốc Khánh cho biết để đáp ứng chủ đề năm nay, ekip sản xuất chương trình được trang bị thiết bị máy quay kỹ thuật số tốc độ cao giúp khán giả nhìn rõ hơn cơ cấu bắn đĩa của robot, quỹ đạo đĩa hay độ xoáy của đĩa khi va chạm. “Ban tổ chức sẽ phát video trực tiếp từ sân thi đấu trên mạng xã hội nhằm hướng đến đối tượng khán giả trẻ”, ông Khánh nói.

Các trận thi đấu trong khuôn khổ vòng chung kết Robocon 2017 sẽ diễn ra từ 9/5 đến 14/5 tại Ninh Bình và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2.  Đội vô địch sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 8/2017.

10 đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp có đội tuyển lọt vào vòng chung kết cuộc thi Robocon 2017: Đại học Sao Đỏ - Hải Dương (6 đội), Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh (4 đội), Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (6 đội), Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội (2 đội), Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội (1 đội), Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng (2 đội), Đại học Công nghiệp Hà Nội (2 đội), Đại học Điện lực - Hà Nội (1 đội), Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai (6 đội), Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM (2 đội).

Thanh Tâm

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét