Thiên tài Albert Einstein. Ảnh: ESP |
Từ bỏ quốc tịch Đức năm 16 tuổi
Ngay từ nhỏ, Albert Einstein đã ghét phải mang một quốc tịch nhất định, cho rằng thật lý tưởng nếu được là "công dân thế giới". Năm 1895, ông bỏ quốc tịch Đức khi 16 tuổi và trở thành người không quốc tịch cho tới năm 1901 mới nhập tịch Thụy Sĩ.
Kết hôn với nữ sinh duy nhất trong khoa Vật lý
Mileva Maric là nữ sinh viên duy nhất trong khoa vật lý của Einstein ở đại học Zurich. Bà say mê toán học và khoa học, là một nhà vật lý đầy tham vọng nhưng đã từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn với Einstein năm 1903. Hai người có một con gái, hai con trai.
Các diễn viên diễn lại cảnh Einstein lần đầu gặp Mileva. Video: NG
Hồ sơ FBI dày 1.427 trang
Năm 1933, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu lưu hồ sơ về Einstein, ngay trước chuyến đi Mỹ lần ba của ông. Hồ sơ dày hơn 1.400 trang, chủ yếu tập trung vào mối liên hệ của Einstein với những tổ chức theo chủ nghĩa xã hội và hòa bình.
J. Edgar Hoover, giám đốc đầu tiên của FBI, thậm chí khuyến cáo không cho phép Einstein nhập cảnh vào Mỹ theo Đạo luật Ngăn chặn Người ngoại quốc nhưng bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ.
Có con ngoài giá thú
Vợ tương lai của Einstein là Mileva từng sinh một bé gái ngoài giá thú vào năm 1902 khi sống cùng gia đình ở Serbia. Đứa bé có tên Lieserl, được cho là chết yểu, hoặc có thể đã được nhận làm con nuôi. Einstein chưa từng gặp con. Sự tồn tại của đứa bé không được công chúng biết đến cho tới năm 1987, khi bộ sưu tập thư của nhà khoa học được công bố.
Albert Einstein chơi cây vĩ cầm có tên "Lina" năm 1932. Vĩ cầm là một trong những niềm đam mê lớn của Einstein. Ông từng nói sẽ không đi đâu mà không mang theo nhạc cụ có tên Lina này. Ảnh: Bettmann |
Đưa hết tiền thưởng Nobel để vợ đồng ý ly dị
Đoán rằng mình sẽ đoạt giải thưởng Nobel, Einstein đã hứa trao hết tiền thưởng cho Mileva để bà đồng ý ly hôn. Năm 1921, ông được trao giải Nobel Vật lý với số tiền thưởng 32.250 USD, gấp 10 lần mức lương giáo sư trung bình vào thời điểm đó. Ông và bà Mileva ly dị năm 1919 sau 5 năm ly thân.
Lấy em họ
Người vợ thứ hai của Albert Einstein là Elsa, con gái của dì ruột. Bố của Elsa cũng là anh em họ với bố của Einstein. Thời con gái, bà Elsa khi cũng mang họ Einstein.
Bà đổi họ khi kết hôn với Max Lowenthal năm 1896. Bà và người chồng đầu tiên sinh được ba con, ly dị năm 1908. Bà và anh họ Einstein ngoại tình với nhau năm 1912 và kết hôn năm 1919, không sinh con.
Einstein và người vợ thứ hai. Ảnh: Bettmann |
Nhà hoạt động dân quyền trước khi phong trào dân quyền bắt đầu
Einstein là một người ủng hộ mạnh mẽ quyền công dân và quyền tự do ngôn luận. Khi W.E.B. Du Bois, nhà sử học người Mỹ bị truy tố năm 1951 với cáo buộc là điệp viên cho một thế lực ngoại quốc, ông Einstein đã tình nguyện làm chứng. Sau khi luật sư của Du Bois thông báo cho tòa án rằng Einstein sẽ có mặt, thẩm phán đã quyết định đình chỉ vụ án.
Ông Du Bois là người Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng tiến sĩ. Ông là nhà sử học, xã hội học, tác gia, nhà bảo vệ nhân quyền, một trong những người tiên phong ở Mỹ trong phong trào đòi quyền lợi cho người gốc Phi. Phong trào dân quyền ở Mỹ bắt đầu từ năm 1954 và kết thúc năm 1968.
Einstein phát biểu trong Hội nghị Khoa học và Dân túy năm 1933 ở Nhà hát Hoàng gia Albert tại London. Ảnh: Hulton Archive |
Con trai trong bệnh viện tâm thần suốt đời
Con trai thứ hai của Einstein là Eduard, người thường được gọi là Tete, bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và ở trong bệnh viện tâm thần suốt đời khi trưởng thành.
Eduard say mê phân tâm học, cực kỳ hâm mộ bác sĩ tâm thần học người Áo Sigmund Freud. Mặc dù thường xuyên trao đổi thư với con nhưng nhà khoa học chưa từng gặp lại con trai sau khi Einstein chuyển tới Mỹ năm 1933. Eduard qua đời năm 1965 ở tuổi 55 tại một bệnh viện tâm thần Thụy Sĩ.
Bạn thân của 'cha đẻ của chiến tranh hóa học'
Fritz Haber là một nhà hóa học người Đức đã giúp đưa Einstein tới Berlin và trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của Einstein. Haber là người Do thái nhưng đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo. Ông đã thuyết giảng về thuyết đồng hóa cho Einstein trước khi Đức Quốc xã lên nắm quyền.
Trong Thế Chiến II, Haber đã phát triển khí độc clo, nặng hơn không khí và có thể đốt cháy họng và phổi, gây tổn thương cho binh lính. Haber được gọi là "cha đẻ của chiến tranh hóa học".
Yêu người bị nghi là điệp viên Nga
Năm 1935, con gái riêng của Elsa giới thiệu Margarita Konenkova với bố dượng, ngay trước khi bà Elsa qua đời vì bệnh tim và thận vào tháng 12/1936. Ông Einstein và bà Konenkova sau này yêu nhau nhưng không rõ vào thời điểm trước hay sau khi bà Elsa qua đời.
Einstein và bà Konenkova. Ảnh: Sergey Konenkova |
Năm 1988, công ty đấu giá nổi tiếng Sotheby đã bán đấu giá 9 bức thư tình của ông Einstein gửi bà Konenkova viết từ năm 1945 tới 1946, do một người họ hàng của bà Konenkova cung cấp.
Trong một cuốn sách do một điệp viên bậc thầy của Nga viết, bà Konenkova được cho là điệp viên Nga, nhưng giới sử học không khẳng định điều này.
Hồng Hạnh (Theo National Geographic)
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét