Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

(Khoa học kì thú)Hệ quả môi trường khi Mỹ rút khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu

he-qua-moi-truong-khi-my-rut-khoi-hiep-dinh-ve-bien-doi-khi-hau

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris. Ảnh: CNBC.

Tổng thống Donald Trump ngày 1/6 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu và thương lượng một thỏa thuận mới, theo CNN.

Sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Paris sẽ khiến nhân loại khó tránh khỏi nguy cơ đối mặt với nền nhiệt độ gia tăng hơn 2 độ C vào năm 2100, theo mô hình khí hậu của tổ chức phi lợi nhuận Climate Interactive, đồng thời gây ra những tác động không nhỏ đến môi trường toàn cầu.

Các nhà khoa học cho rằng bất kỳ sự trì hoãn nào trong nỗ lực ngăn chặn hiệu ứng nhà kính của Mỹ có thể khiến quốc gia này nói riêng và toàn thế giới nói chung chịu tổn thất nặng nề trong dài hạn.

Khi ký kết Hiệp định Paris năm 2015, Mỹ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải CO2 trong vòng một thập kỷ. Mỹ là nước thải nhiều khí CO2 thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo cơ sở dữ liệu về khí thải của Ủy ban châu Âu.

Năm 2015, Mỹ thải 5,1 triệu nghìn tấn khí CO2, nhiều hơn tất cả 28 nước thuộc Liên minh châu Âu và chiếm gần 1/6 tổng lượng khí thải toàn cầu.

he-qua-moi-truong-khi-my-rut-khoi-hiep-dinh-ve-bien-doi-khi-hau-1

Nguồn: Cơ sở dữ liệu về khí thải của Ủy ban châu Âu.

Với việc Mỹ rút khỏi hiệp định, một lượng lớn CO2 sẽ được nước này thải ra môi trường, làm trầm trọng thêm nguy cơ về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo một nghiên cứu vào tháng 12/2016 đăng trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên, sự rút lui của Mỹ có thể khiến những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris trở nên bất khả thi. Phân tích của nhóm nghiên cứu Climate Interactive chỉ ra nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng cao hơn 0,3 độ so với việc nước này tiếp tục tham gia hiệp định.

Đại đa số các nhà khoa học đồng ý rằng nhiệt độ cao hơn sẽ khiến mực nước biển dâng cao, gây ngập lụt cho những thành phố ven biển, tuyệt chủng trên quy mô lớn, hạn hán, khủng hoảng di cư, nắng nóng, mùa màng thất thu và bão mạnh.

he-qua-moi-truong-khi-my-rut-khoi-hiep-dinh-ve-bien-doi-khi-hau-2

Các kịch bản gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nguồn: Climate Interactive.

Trong thời gian tại nhiệm, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng nỗ lực giảm lượng khí thải của Mỹ nhằm ngăn chặm thảm họa biến đổi khí hậu. Nhưng sau khi đắc cử, tổng thống Trump ký liên tiếp các sắc lệnh cho phép khai thác than đá cũng như xóa bỏ Kế hoạch hành động vì khí hậu năm 2013 của ông Obama. Trước đó, Trump từng bày tỏ ông không hề tin lý thuyết khoa học về biển đổi khí hậu.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều cho rằng đây là quyết định đem lại thảm họa cho những nỗ lực đạt tới mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Theo David Schlosberg, giáo sư chính trị môi trường ở Đại học Sydney, những quốc gia lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ có thể lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, khiến nước Mỹ bị cô lập về mặt chính trị sau khi rút khỏi thỏa thuận.

"Tôi nghĩ nhiều bang và địa phương ở Mỹ sẽ nỗ lực để Mỹ hoàn thành mục tiêu mà họ đã tình nguyện cam kết", Schlosberg nói.

Trước đó, chính quyền bang California khẳng định sẽ tiếp tục chống biến đổi khí hậu nếu tổng thống Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Paris.

Một số nhà khoa học cũng chỉ ra ngay cả khi Mỹ thi hành Hiệp định Paris, mục tiêu hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu ở mức 2 độ C khó có thể đạt được. "Trong hơn hai năm qua, chúng ta đang trên đà phá vỡ những kỷ lục nhiệt độ toàn cầu. Năm 2014, chúng ta lập ra kỷ lục mới. Năm 2015, chúng ta phá vỡ kỷ lục đó và chúng ta tiếp tục làm vậy vào năm 2016", giáo sư Ian Simmonds thuộc Trường Nghiên cứu Khoa học Trái Đất, Đại học Melbourne, cho biết. 

Phương Hoa 

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét