Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

(Khoa học kì thú)Những khám phá vũ trụ quan trọng nhất năm 2016

Phát hiện 'bản sao' Trái Đất

Trong vài năm gần đây, các nhà khoa học sử dụng Kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để tiến hành khảo sát 150.000 ngôi sao, nhằm tìm kiếm dấu hiệu những thiên thể di chuyển theo quỹ đạo. Họ phát hiện trung bình mỗi ngôi sao có ít nhất một hành tinh bay xung quanh, theo News.com.au.

nhung-kham-pha-vu-tru-quan-trong-nhat-nam-2016

Đồ họa mô phỏng hành tinh Proxima b. Ảnh: ESA.

Tháng 9/2016, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố phát hiện về Proxima b và nhận định đây là ngoại hành tinh đầu tiên mà con người có thể gửi robot thăm dò tới trong tương lai. Hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ Proxima Centauri cách hệ Mặt Trời 4 năm ánh sáng, trong khu vực có thể tồn tại sự sống. Proxima b có khối lượng ước tính lớn gấp 1,3 lần Trái Đất và cách ngôi sao mẹ 7,5 triệu km.

"Nếu nghiên cứu sâu hơn xác nhận khí quyển hành tinh Proxima b phù hợp để phát triển sự sống, đây có thể là một trong những phát hiện quan trọng nhất mà chúng tôi từng đạt được", John Barnes, đồng tác giả nghiên cứu phát hiện Proxima b tại Đại học Open, Anh, cho biết.

Tàu thăm dò Juno tiếp cận sao Mộc

Tàu thăm dò Juno của NASA tiếp cận sao Mộc hôm 4/7/2016 sau khi hoàn thành 35 phút đốt động cơ tên lửa nhằm di chuyển chậm lại để trọng lực sao Mộc hút tàu vào quỹ đạo. Đây là thành quả sau hành trình 5 năm, tính từ ngày tàu Juno được phóng vào vũ trụ.

nhung-kham-pha-vu-tru-quan-trong-nhat-nam-2016-1

Tàu thăm dò Juno tiếp cận sao Mộc. Ảnh: Space.

Juno có nhiệm vụ thu thập dữ liệu khi bay quanh sao Mộc trong thời gian 14 tháng để thu thập những thông tin quan trọng, giúp các nhà khoa học nghiên cứu khí quyển và lõi của hành tinh này.

Juno sẽ quan sát xuyên qua lớp mây dày bao phủ sao Mộc, lập bản đồ từ trường và thăm dò phía sau vùng khí quyển hỗn loạn để tìm dấu hiệu của lõi đặc bên trong. Con tàu cũng tìm kiếm nước trong bầu khí quyển sao Mộc.

Nguồn gốc sao Mộc ảnh hưởng nhiều tới vị trí và quá trình phát triển của những hành tinh còn lại trong hệ Mặt Trời, bao gồm Trái Đất.

"Bằng cách hiểu rõ hơn về thành phần hóa học cấu tạo nên sao Mộc, chúng ra sẽ có thêm những hiểu biết mới về hệ Mặt Trời hàng tỷ năm trước đây", Michelle Thaller, chuyên gia làm việc tại NASA, cho biết.

Bằng chứng tồn tại hành tinh thứ 9

Tháng 1/2016, Konstantin Batygin và Mike Brown, hai nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech), Mỹ, công bố bằng chứng về sự tồn tại của hành tinh mới nằm ở rìa ngoài hệ Mặt Trời, nặng gấp 10 lần Trái Đất. Hành tinh này cách Mặt Trời 149 tỷ km, xa hơn 75 lần so với sao Diêm Vương, và mất 10.000-20.000 năm để quay một vòng quanh Mặt Trời.

nhung-kham-pha-vu-tru-quan-trong-nhat-nam-2016-2

Hành tinh thứ 9 giả định có kích thước khổng lồ ở rìa hệ Mặt Trời. Ảnh: Caltech.

Theo Science, hành tinh thứ 9 bí ẩn chuyển động trên quỹ đạo xa hơn 20 lần khoảng cách trung bình từ sao Hải Vương tới Mặt Trời. Các nhà khoa học không trực tiếp quan sát được hành tinh thứ 9, nhưng họ tin chắc nó tồn tại dựa vào mô hình toán học và máy tính.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý học thiên thể hôm 6/4, các nhà thiên văn Thụy Sĩ sử dụng dữ liệu có sẵn để tìm ra kích thước, độ sáng và nhiệt độ thực sự của hành tinh thứ 9. Họ xem xét quỹ đạo dự đoán của hành tinh này, và đưa ra giả thuyết nó được hình thành từ đĩa tiền hành tinh của Mặt Trời cách đây 4,6 tỷ năm.

Kết quả cho thấy, hành tinh thứ 9 giống một "sao Thiên Vương thu nhỏ" với một lõi sắt rắn chắc được bao quanh bởi băng đá và lớp khí dày đặc. Hành tinh này có bán kính lớn hơn Trái Đất 3,7 lần, nhiệt độ khí quyển bên trên là -226 độ C.

Vũ trụ quan sát được lớn hơn 10 lần suy đoán trước đây

Theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Astrophysical vào tháng 10/2016, vũ trụ chúng ta quan sát được chứa ít nhất hai nghìn tỷ thiên hà, lớn hơn 10 lần so với con số các nhà khoa học từng nhận định. Con người không thể nhìn thấy được đa số những thiên hà này.

nhung-kham-pha-vu-tru-quan-trong-nhat-nam-2016-3

Số lượng thiên hà trong vũ trụ quan sát được nhiều hơn 10 lần so với những gì chúng ta nghĩ trước đây. Ảnh: Supplied.

Một nhóm thiên văn quốc tế sử dụng hình ảnh thu thập trong 20 năm của Kính viễn vọng không gian Hubble và một số đài thiên văn quốc tế khác để tạo ra một mô hình 3D của 200 tỷ thiên hà mà giới khoa học ước tính tồn tại.

Nhưng mô hình mà các nhà khoa học xây dựng tiết lộ rằng, phải có thêm ít nhất 1 nghìn 800 tỷ thiên hà khác trong vũ trụ. Chỉ 10% trong số chúng con người có thể nhìn thấy bằng kính thiên văn mạnh nhất.

"Hơn 90% thiên hà trong vũ trụ vẫn chưa được nghiên cứu," Christopher Conselice, tác giả nghiên cứu chính tại Đại học Nottingham, Anh, cho biết.

Tàu vũ trụ Cassini nghiên cứu sao Thổ

Năm 1997, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), NASA và Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) phóng tàu vũ trụ Cassini để nghiên cứu sao Thổ, hành tinh khí khổng lồ trong hệ Mặt Trời. Tàu vũ trụ Cassini không chỉ giúp giới khoa học chụp ảnh sao Thổ, nó còn cung cấp nhiều dữ liệu khác về các vệ tinh của hành tinh này.

nhung-kham-pha-vu-tru-quan-trong-nhat-nam-2016-4

Tàu vũ trụ Cassini nghiên cứu sao Thổ. Ảnh: Wikipedia.

Tháng 12/2016, tàu Cassini bắt đầu nhiệm vụ bay lướt qua vành đai sao Thổ. Sau đó, nó sẽ tiến vào vành đai ngoài của sao Thổ khoảng 20 lần, mỗi lần 7 ngày cho tới tháng 4/2017 để quan sát một số vệ tinh nhỏ, đồng thời lấy mẫu phân tử và chất khí tại vành đai để phân tích.

Tháng 9/2017, tàu Cassini dự kiến lao vào bầu khí quyển sao Thổ và ngừng hoạt động sau khi gửi toàn bộ dữ liệu quan trọng về Trái Đất.

Lê Hùng

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét