Những ngọn đồi phản trọng lực có thể tạo ảo giác bóng tự lăn từ chân lên đỉnh dốc. Ảnh: Science Alert. |
Hai ngọn đồi phản trọng lực nổi tiếng Confusion Hill tại California, Mỹ, và Magnetic Hill tại Canada có chung một đặc điểm là nếu một người lái xe tới chân dốc và đỗ xe, chiếc xe sẽ từ từ trôi lên trên đỉnh dốc.
Chúng được gọi là "đồi nam châm", khi nhiều người cho rằng có một khối đá nam châm khổng lồ trên đỉnh dốc có thể hút xe cộ trôi ngược lên đồi, theo Science Alert.
Tuy nhiên, hiện tượng lạ này chỉ là một ảo ảnh thị giác do thiên nhiên tạo ra để đánh lừa mắt người. Ảo ảnh này thật đến mức rất khó nhận ra nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng.
Ảo giác bóng lăn ngược tại ngọn đồi phản trọng lực ở Pennsylvania, Mỹ
Khi sử dụng thiết bị khảo sát địa hình, kết quả thu được cho thấy đỉnh dốc thực chất là chân dốc và ngược lại. "Khi đi trên con đường này, bạn sẽ có ảo giác là bạn đang đi lên dốc, trong khi thực tế bạn đang xuống dốc", nhà vật lý Brock Weiss tại Đại học Pennsylvania cho biết.
Tuy độ dốc đủ lớn để ôtô có đà trôi đi, chúng ta vẫn dễ dàng bị đánh lừa do đường chân trời, theo các nhà tâm lý học. Hầu hết vị trí của các ngọn đồi phản trọng lực không cho chúng ta nhìn thấy chính xác đường chân trời nằm ở đâu và khiến cho chúng ta mất đi mốc so sánh.
"Đây là một vùng đất nghiêng, và đoạn đường của chúng ta cũng nghiêng như vậy, nhưng với một góc nhỏ hơn. Vì thế, chúng ta nhầm lẫn vị trí của chân dốc và đỉnh dốc", nhà nghiên cứu Rob Macintosh tại Đại học Edinburgh, nói.
Một nghiên cứu tâm lý học vào năm 2003 cũng góp phần chứng minh sự thiếu vắng đường chân trời có thể ảnh hưởng tới nhận thức không gian của con người.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Padova và Pavia, Italy, dựng mô hình của các ngọn đồi phản trọng lực nổi tiếng thế giới và yêu cầu tình nguyện viên tham gia nhìn qua một lỗ nhỏ để phân biệt chiều lên, xuống của dốc. Khi không có đường chân trời làm mốc so sánh, cây cỏ và biển báo trở thành nguyên nhân chính đánh lừa nhận thức không gian của các tình nguyện viên.
"Những trải nghiệm về thị giác cũng như tâm lý trong thí nghiệm của chúng tôi mô phỏng tương đối chính xác những gì mà chúng ta thấy tại địa điểm thực tế. Sau mỗi lần thí nghiệm, chúng tôi lại thả một cuộn băng dính nhỏ lên mô hình và khi chứng kiến cuộn băng dính di chuyển ngược lên dốc, phản ứng của các tình nguyện viên khá thú vị: bất ngờ có, mà sợ hãi cũng có", nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Phương Hoa
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét