Nhiều đứa trẻ đã có hành vi nói dối từ nhỏ. Ảnh minh họa: Washington Post. |
Trong một thí nghiệm nhằm kiểm tra độ thành thật của con người, các nhà nghiên cứu tại đại học Duke yêu cầu các ứng viên trả lời các câu hỏi toán học trong vòng 5 phút, càng giải được nhiều càng được nhận được nhiều tiền. Hết 5 phút, ứng viên được yêu cầu cho câu trả lời vào máy hủy giấy và tự đánh giá xem mình làm tốt đến đâu.
Tuy nhiên, máy hủy giấy đó thực ra không hề hủy bài thi của ứng viên. Dựa vào kết quả bài thi thu được, các nhà nghiên cứu nhận thấy phần lớn ứng viên đều nói dối về kết quả làm bài của mình.
Trong bài viết trên tạp chí National Geographic số tháng 6, nhà nghiên cứu Yudhijit Bhattacharjee đưa ra lời giải thích cho hành vi nói dối của con người dưới góc nhìn tâm lý học, khoa học thần kinh và nghệ thuật lừa dối, theo New York Post.
Theo Bhattacharjee, con người nói dối vì đó là bản chất của chúng ta. "Sự lươn lẹo và không thành thật khiến chúng ta là con người", ông viết. "Khả năng lôi kéo người khác mà không cần dùng sức được xem là một lợi thế trong cuộc tranh giành tài nguyên và bạn tình, như sự tiến hóa của các chiến thuật lừa dối trong thế giới loài vật, ví dụ như ngụy trang".
Bhattacharjee cho rằng ngày nay con người dường như có 4 lý do để nói dối: ca tụng bản thân, bảo vệ bản thân, tác động người khác và những trường hợp không thể giải nghĩa.
Gần như ngay khi con người có thể nói, chúng ta đã bắt đầu bẻ cong sự thật. Những đứa trẻ nhỏ nhất là đối tượng ít có khả năng nói dối nhất vì chúng còn học nói dối. Trong một thí nghiệm yêu cầu không nhìn trộm đồ chơi bí mật, trẻ nhỏ thường thành thật nhận phạm quy, trong khi khoảng 80% trẻ 8 tuổi sẽ nói dối.
Khả năng nói dối của trẻ ngày càng điêu luyện để che dấu hành vi của bản thân. Những trẻ đã nhìn trộm nhưng không thừa nhận sẽ đưa ra đáp án đúng trong khi nhiều đứa trẻ lớn hơn dù đã nhìn trộm vẫn cố tình đưa ra đáp án sai. Các nghiên cứu ở người lớn cho thấy theo thời gian, khả năng nói dối của bộ não tiếp tục trở nên lão luyện.
Bhattacharjee cũng chỉ ra rằng dù nói dối là bản chất của con người, lòng tin mới là thứ giúp chúng ta kết nối trong xã hội. "Khi không có niềm tin trong giao tiếp giữa người với người, chúng ta sẽ là những cá thể bị tê liệt và ngừng các mối quan hệ xã hội", Bhattacharjee viết.
Vũ Phong
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét