Bước vào vườn vải chín sớm rộng 2,5 ha của anh Nguyễn Thanh Lâm (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang), nhiều thương lái tỏ ra ngạc nhiên khi vải nhà anh quả to đều và đẹp hơn những vườn gần đó. Bóc một quả vải ăn thử, họ càng ngạc nhiên hơn vì quả vải ngọt thơm không thua kém vải chính vụ. Anh Lâm cho biết tất cả nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật.
Các hộ dân chia sẻ hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vải.
Tháng 6/2016, Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến đặt vấn đề với một số hộ dân trồng vải ở Bắc Giang, trong đó có gia đình anh Lâm, về việc thực hiện đề tài nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều.
“Tôi đã khá lo lắng khi được chọn làm thí điểm đề tài của các nhà khoa học vì trước đó bà con ở huyện Tân Yên chúng tôi chỉ chăm sóc cây vải theo phương thức truyền thống hay quy trình VietGAP. Bây giờ, họ chỉ lấy mẫu đất về phân tích để xem thừa, thiếu chất dinh dưỡng nào khiến tôi lo sợ sẽ mất trắng cả vụ vải”, anh Lâm nói.
Tuy nhiên, sự lo lắng của anh Lâm được xua tan dần khi các nhà khoa học thường xuyên trực tiếp đến vườn vải kiểm tra. “Khi vải bắt đầu nhú hoa, các anh ấy đã cho tôi phân bón lá, phân bón gốc và hướng dẫn chi tiết quy trình bón phân. Các anh còn dặn phải ghi chép đầy đủ ngày, giờ chăm sóc vào một cuốn sổ và báo cáo lại qua điện thoại”, anh Lâm nói và cho biết đã hoàn toàn tin tưởng khi tỷ lệ đậu hoa và quả cao hơn mọi năm từ 20 đến 30%.
Đến ngày thu hoạch, chủ vườn vải “mừng ra mặt” khi sản lượng đạt hơn 10 tấn/ha, tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng năm và gấp 3 lần năm ngoái. Giá trị quả vải cũng tăng đáng kể. Giá bán tại gốc đầu mùa là từ 30 đến 35 nghìn/kg. “Tôi đã có ý định phá vải để trồng bưởi hoặc cam canh sau vụ này. Nhưng với sản lượng như vậy, tôi quyết định sẽ tiếp tục chăm cây vải”, anh Lâm chia sẻ.
Vợ anh Nguyễn Thanh Lâm vui mừng khi thắng lớn vụ vải chín sớm năm nay. Ảnh: Dương Tâm |
Có diện tích chỉ khoảng 7.000 m2 với 350 gốc vải chín sớm, anh Ngô Văn Cường (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên) vui mừng khi vụ năm nay, anh thu về khoảng 300 triệu đồng. “Quả vải đều, đẹp hơn mọi năm và không bị sâu cuống, chất lượng hơn hẳn vải được chăm sóc theo cách truyền thống. Tôi bán khoảng 30 nghìn/kg tại vườn, cao hơn giá thị trường từ 5 đến 7 nghìn”, anh Cường thông tin.
Theo chủ vườn này, quy trình chăm sóc cây vải do Viện Địa lý hướng dẫn không vất vả hơn so với chăm sóc truyền thống nhưng hiệu quả hơn hẳn. “Nhiều hộ xung quanh cứ hỏi có bí quyết gì để quả vải đẹp vậy. Họ còn trách tôi vì sao không chia sẻ cách làm cho họ”, anh Cường cười nói và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mở rộng đề tài để không chỉ gia đình anh mà cả huyện được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật.
Theo kết quả báo cáo của chủ nhiệm đề tài, các mô hình thực nghiệm vải chín sớm Phúc Hòa có hơn 2.300 hoa/chùm, số quả trung bình đạt hơn 7 quả/chùm, tăng so với các hộ dân không thực hiện mô hình 31,8%. Về hình thức, quả vải to và đỏ hơn. Về chất lượng, vải ngọt và không bị sâu cuống. Năng suất tăng từ 15 đến 20%, sản lượng rơi vào khoảng 15-17 tấn/ha.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết đề tài do Viện Địa lý làm thí điểm là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên liên quan đến nghiên cứu đất và biện pháp canh tác vải mà các nhà khoa học trực tiếp tham gia.
“Ban đầu, người dân cũng chưa tin lắm, vẫn còn khó khăn trong quá trình chọn hộ nhưng khi chọn được rồi, họ tuân thủ rất đúng sự hướng dẫn của các nhà khoa học nên kết quả rất tốt. Theo báo cáo của người dân, sản lượng trung bình tăng 20%, thậm chí có vườn tăng 30%”, ông Kiên nói.
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét