Do chúng ta không thể quan sát trực tiếp giấc mơ của các loài động vật khác nên không có cách nào để biết chắc chắn chúng nằm mơ hay không, theo Earth Sky. Kể từ thập niên 1950, giới khoa học đã tìm thấy một số bằng chứng gián tiếp khá thuyết phục cho thấy nhiều loài động vật nằm mơ khi ngủ.
Một trong số các bằng chứng là giấc ngủ REM, hay giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh, được phát hiện năm 1953. Ở người, giai đoạn ngủ này tương ứng với trạng thái đang nằm mơ, đôi mắt chuyển động qua lại, cơ thể ít di chuyển và có rất nhiều hoạt động điện xảy ra trong bộ não.
Mèo khi ngủ có thể cong lưng, cử động giống như đang bám theo con mồi và chiến đấu trong giấc mơ. Ảnh: Earth Sky. |
Sau khi nghiên cứu giấc ngủ REM ở người, giới khoa học sớm bắt đầu nghiên cứu nó ở động vật. Hầu hết động vật có vú và chim được nghiên cứu như chó, mèo, thú mỏ vịt, thậm chí các loài bò sát dường như đều có giai đoạn ngủ REM. Hoạt động điện não của chúng trong giai đoạn ngủ này tương tự như con người. Do đó, nhiều khả năng động vật cũng nằm mơ.
Năm 1959, nhà thần kinh học người Pháp Michel Jouvet phát hiện những con mèo ngẩng cao đầu trong khi ngủ, cho thấy chúng đang quan sát các đối tượng trong giấc mơ. Chúng cũng cong lưng, cử động giống như đang bám theo con mồi và chiến đấu. Tất cả các hành vi này chứng tỏ con mèo trông thấy hình ảnh trong giai đoạn ngủ REM.
Trong một nghiên cứu khác về giấc ngủ đăng trên tạp chí Neuron vào năm 2001, Michael Wilson và Kenway Louie thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ so sánh biểu đồ não của những con chuột đang chạy qua mê cung với biểu đồ não của chúng trong giai đoạn ngủ REM sau đó. Họ phát hiện hai biểu đồ này rất giống nhau.
"Nghiên cứu này phù hợp với ý tưởng cho rằng, không gian vật lý (chẳng hạn như mê cung) được mã hóa vào trí nhớ dài hạn trong giai đoạn ngủ REM," McNamara nói.
Lê Hùng
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét