TS Nguyễn Đình Đăng hiện làm việc tại Viện nghiên cứu vật lý và hóa học (RIKEN, Nhật Bản). Công trình nghiên cứu của anh và 2 tác giả khác tại Physical Review Letters vào tháng 1/2017 là bài báo đầu tiên về vật lý hạt nhân mà các đồng tác giả đều là người Việt.
Sinh năm 1958 tại Hà Nội trong gia đình trí thức, cha là cử nhân toán tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Paris), còn mẹ tốt nghiệp chuyên khoa nhi tại Đại học Y khoa Paris, Nguyễn Đình Đăng may mắn được hưởng thụ một nền giáo dục cẩn thận và đầy đủ. Anh được cha cho làm quen với hội họa, âm nhạc, văn chương và học tiếng Pháp từ khi còn là học sinh tiểu học. "Đó là một nền giáo dục tự nguyện, bất vụ lợi, đầy tình thương mà không nhà trường nào có thể cung cấp được”, anh nói.
Trong thời chiến tranh anh phải theo gia đình sơ tán về nông thôn để tránh bom. Điều kiện sống ở đây rất khó khăn, gạo không đủ ăn, thường xuyên độn thêm bột mì. Anh và gia đình phải ăn da trâu thay thịt và sinh hoạt dưới ánh đèn dầu hỏa.
Tuy nhiên, khó khăn không làm giảm niềm say mê học tập của anh. Trong 10 năm học ở phổ thông anh đều là học sinh xuất sắc (A1). Tốt nghiệp trung học năm 1975, anh trở thành một trong những học sinh đạt điểm cao nhất nước trong kỳ thi vào đại học, nhờ đó anh được Chính phủ chọn gửi sang học tại Đại học tổng hợp quốc gia Maxcơva (Liên Xô cũ).
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng. |
Mùa hè năm 1976 anh cùng nhiều học sinh Việt Nam khác đáp chuyến xe lửa từ Hà Nội, qua Bắc Kinh, Ulan-Bator, xuyên Siberia trong một hành trình dài hai tuần để tới thủ đô Maxcơva. Hành trang duy nhất của anh khi đó là chiếc va li đựng một bộ com lê, một đôi giầy và chiếc áo len cổ lọ do Bộ Đại học Việt Nam khi đó cấp. Đặt chân tới Maxcơva, cảnh tượng trước mắt anh là những ngôi nhà cao tầng nguy nga, đường phố khang trang, rộng rãi, sạch sẽ.
Đối với một thanh niên vừa đến từ một đất nước kiệt quệ vì chiến tranh, cuộc sống ở thủ đô Maxcơva thời đó có thể được ví như thiên đường. Mọi điều kiện sinh hoạt, học tập đều rất thuận lợi. Nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, anh trở thành sinh viên xuất sắc ngay từ năm thứ nhất. Trong 6 năm học tại Đại học tổng hợp quốc gia Maxcơva, anh luôn đạt kết quả xuất sắc tại các kỳ thi học ̣ kỳ và kỳ thi quốc gia.
Khi bắt đầu tìm người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học, anh được nghe khoá giảng của giáo sư Vadim Soloviev, nhà vật lý lý thuyết hạt nhân nổi tiếng từ viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Danh tiếng của viện Dubna và triển vọng nghiên cứu lý thuyết hạt nhân hé mở qua bài giảng của giáo sư Soloviev đã thôi thúc anh xin làm học trò của ông. Được giáo sư Soloviev chấp thuận, anh chuyển đến Dubna nghiên cứu.
"Đây là một trong những lĩnh vực khó. Nhưng nghiên cứu khoa học với tôi là để thỏa mãn trí tò mò trước tiên. Khi mới bước vào nghiên cứu đã có nhiều vấn đề và kết quả thực nghiệm mới nhưng nan giải, như cộng hưởng khổng lồ trong các hạt nhân bị kích thích cao - vấn đề tôi tham gia nghiên cứu đến nay đã hơn 3 thập niên và đạt một số thành tựu”, anh cho biết.
Sau khi nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc năm 1982, tương đương bằng thạc sĩ trong hệ thống đại học phương Tây, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh, nhận bằng tiến sĩ năm 1985 tại viện Dubna, rồi nghiên cứu sau tiến sĩ, nhận bằng tiến sĩ khoa học năm 1990 chuyên ngành lý thuyết hạt nhân tại đại học tổng hợp quốc gia Maxcơva.
Trở về Việt Nam, anh làm việc tại Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân. Sau một thời gian làm việc tại Đức và Italia, năm 1994, anh được Nhật Bản mời sang nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hạt nhân (Institute for Nuclear Study) thuộc Đại học Tokyo (The University of Tokyo). Sau đó, anh được giáo sư Akito Arima, lúc đó là chủ tịch viện RIKEN mời đến viện này làm việc.
Ấn tượng đầu tiên của anh với Nhật chính là cách ứng xử của người Nhật, khi họ cấp visa không chỉ cho riêng anh và mà còn cho cả vợ và con - một điều chưa từng xảy ra khi anh sang châu Âu. "Một đất nước tôn trọng cá nhân như vậy chắc chắn sẽ là miền đất hứa mà ai cũng mong muốn tới. Nhận định này quả thật không sai, bởi càng sống và làm việc tôi càng thêm gắn bó với nơi này", anh nói.
Năm 1997, cùng với giáo sư Arima và các cộng sự Nhật Bản, anh đã giải quyết được vấn đề hóc búa kéo dài 2 thập niên trong việc mô tả cộng hưởng Gamow-Teller. Một năm sau, anh và giáo sư Arima đã đề xuất mô hình phonon tắt dần (Phonon Damping Model) mô tả thành công sự phụ thuộc nhiệt độ của độ rộng cũng như hình dáng cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực trong hạt nhân nóng.
Năm 2000, cùng với sinh viên Việt Nam Vương Kim Âu (sau này bảo vệ tiến sĩ và làm việc tại Hoa Kỳ) và giáo sư Arima, anh đã giải quyết một vấn đề hóc búa khác liên quan tới cộng hưởng khổng lồ kép (double giant resonance) trong hạt nhân. Các nghiên cứu của anh được đăng trên nhiều tạp chí uy tín quốc tếnhư Physical Review Letters, Physical Review C, Nuclear Physics A...
Theo anh, phẩm chất cần thiết nhất của một nhà khoa học nói riêng, và một con người nói chung, đó là sự trung thực. "Hãy luôn trung thực trong bất kỳ tình huống nào, đừng bao giờ dối trá, ăn cắp, lừa đảo, biến báo. Đừng bao giờ thanh minh biện hộ cho những hành động đó không chỉ trong nghiên cứu mà cả trong cuộc sống. Khi định theo đuổi một chuyên môn nào thì hãy cố tìm hiểu thấu đáo vấn đề từ gốc", là lời khuyên của Nguyễn Đình Đăng đối với giới trẻ.
Họa sĩ tài năng
Không chỉ là nhà khoa học, Nguyễn Đình Đăng còn được biết tới như một họa sĩ tài năng. Khi mới 5 - 6 tuổi, anh được cha mình cho làm quen với cái đẹp của mỹ thuật, hội hoạ Phục Hưng. Ngay từ nhỏ, anh đã mê hội hoạ tới mức có thể ngồi hàng giờ để vẽ mà không chán.
Trong thời gian học tại Matxcơva, ngoài việc học ở trường đại học, anh thường tới các bảo tàng mỹ thuật và dành hầu hết thời gian trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông để vẽ tranh. "Đam mê là thứ không thể giải thích được, ngoài việc cho rằng đó là do trời ban. Tôi thích vẽ các sự vật không chỉ giống như thật, hơn thật, mà phải toát ra linh hồn. Thiếu linh hồn, bức tranh chỉ là xác chết của hội hoạ”, anh nói.
Bức tranh sơn dầu có tên "Vermeer tàng hình” được tiến sĩ Đăng vẽ năm 2016. |
Đam mê hội họa, nhưng anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ khoa học vì cho rằng hạnh phúc nhất là có thể làm tất cả những gì mình say mê. "Tôi có khả năng và điều kiện để làm cả hai thì không có lý do gì để hy sinh một thứ vì thứ kia", anh nói.
"Nếu coi việc mình làm như vẽ một bức tranh, thì không gì chán hơn là nhìn một bức tranh đầy tham vọng nhưng lại được vẽ một cách vội vàng, hời hợt, thừa cảm xúc không được tiết chế, thừa tự tin, nhưng lại thiếu tư duy, thiếu kỹ năng nghề nghiệp tới mức tầm thường. Đừng mất thì giờ và sức lực vào những thứ tầm thường", anh nói.
Nghiêm túc trong công việc và luôn cố gắng hết mình vì nó, anh đã thành công cả trong lĩnh vực hội họa. Năm 2005, chỉ sau 2 năm tham gia triển lãm của hội Mỹ thuật chủ Thể, một trong những hội mỹ thuật hàng đầu tại Nhật Bản, anh được bầu làm hội viên của hội này, trở thành hội viên ngoại quốc duy nhất của hội. Năm 2007, anh được giải thưởng "Hoạ sĩ xuất sắc đang nổi lên" của Quỹ Mỹ thuật Sompo Japan. Năm 2016, anh được chọn là một trong trong 151 hoạ sĩ tham gia triển lãm "Best Selection 2016" trưng bày tác phẩm của các hoạ sĩ và điêu khắc gia hay nhất Nhật Bản năm đó tại Bảo tàng Mỹ thuật Tokyo.
Chia sẻ ý định về Việt Nam, anh nói: "Điều sung sướng nhất cho một người nghiên cứu khoa học và vẽ tranh là có thể làm việc được ở nơi nào có điều kiện phù hợp nhất cho tự do tư duy và sáng tạo của mình".
Từ năm 2009 đến nay, Nguyễn Đình Đăng đã phổ biến kiến thức về chất liệu và phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp qua hơn 30 chuyên khảo viết bằng tiếng Việt được anh công bố trên Internet. Anh cũng đã thuyết trình 5 buổi vào các năm 2009, 2011, 2014 và 2016 tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, viện Nghiên cứu Mỹ thuật và Hanoi Creative City. Đây là lần đầu tiên phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp được truyền bá tại Việt Nam một cách khoa học, chi tiết, có hệ thống và bằng tiếng Việt. Sắp tới, vào ngày 11/3/2017, anh sẽ thuyết trình 2 buổi về hội hoạ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Sài Gòn (The Factory Contemporary Arts Centre). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét