Hố tử thần tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản
Ngày 8/11/2016, hố tử thần dài khoảng 30 m, rộng 27 m, sâu 15 m xuất hiện gần bến tàu JR Hakata tại thành phố Fukuoka phía tây nam Nhật Bản, theo Popular Mechanics. Miệng hố nuốt chửng một phần mặt đường 5 làn, làm gián đoạn giao thông cũng như nguồn cung cấp điện, nước, gas trong nội thành.
Các nhà chức trách nghi ngờ hố tử thần là kết quả từ quá trình xây dựng mở rộng tuyến đường Nanakuma thuộc hệ thống tàu điện ngầm của thành phố. Đoạn đường được mở lại sau đó một tuần khi các công nhân vá xong miệng hố trong hai ngày.
Hố sụt Xiaozhai Tianken, Trung Quốc
Hố sụt Xiaozhai Tianken, Trung Quốc. Ảnh: Popular Mechanics. |
Xiaozhai Tiankeng, hố sụt lớn nhất thế giới, nằm ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Nó được phát hiện vào năm 1994 sau một dự án lập bản đồ các hang động ở Trung Quốc. Miệng hố dài 609 m, rộng 536 m, sâu hơn 300m. Hố sụt có vách dựng đứng, được hình thành do dòng sông ngầm xói mòn đất đá.
Hố xanh Dean, Bahamas
Hố xanh Dean nằm gần thị trấn Clarence Town trên đảo Long Island, Bahamas, là hố xanh sâu nhất thế giới. Người ta gọi nó là hố xanh bởi độ tương phản giữa màu xanh đậm của vùng nước sâu trong chiếc hố với màu xanh nhạt của vùng nước nông xung quanh nó.
Hố xanh Dean. Ảnh: Wikipedia. |
Hố xanh Dean có đường kính từ 25 đến 35 m và sâu hơn 200 m. Nó được hình thành bởi mạch nước ngầm sâu làm xói mòn đá vôi cho đến khi chạm tới mái trần của đá, khiến bề mặt sụt xuống. Sau đó, nước biển tràn vào và lấp đầy miệng hố.
Hố tử thần ở Bảo tàng Quốc gia Corvette, Kentucky, Mỹ
Năm 2014, Bảo tàng Quốc gia Corvette, bang Kentucky, Mỹ, xuất hiện một hố tử thần rất lớn rộng từ 13 đến 15 m, sâu 9 m. Hố sụt làm nuốt chửng 8 chiếc xe hơi Corvettes trên sàn nhà. Cho đến nay, những chiếc xe bị hố tử thần nuốt chửng vẫn đang được trưng bày trong bảo tàng.
Hố tử thần tại thành phố Guatemala
Ngày 29/5/2010, hố tử thần xuất hiện tại thành phố Guatemala, Guatemala, với đường kính khoảng 20 m. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện của quá nhiều xe tải trên đường phố là nguyên nhân tạo nên chiếc hố. Các nhà địa chất nói rất có thể hố xuất hiện sau khi phần đất phía trên của một hang ngầm sụp xuống. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác đến nay vẫn chưa được xác định.
Cảnh sát và binh lính đứng gác xung quanh hố nhằm ngăn chặn người dân hiếu kỳ tới quá gần nó. Phần lớn người dân sống gần hố chuyển tới nơi an toàn do lo ngại miệng hố tiếp tục mở rộng.
Hố xanh khổng lồ ở Belize
Hố xanh khổng lồ ở Belize, Trung Mỹ, thực chất là một hang động dưới nước lớn có lối vào giống vòng tròn màu xanh. Nó rộng gần 300 m, sâu hơn 120 m. Chiếc hố giống như bẫy dạng phễu làm lắng đọng trầm tích, ghi lại quá khứ địa chất và khí hậu của vùng.
Hố xanh khổng lồ ở Belize, Trung Mỹ. Ảnh: Popular Mechanics. |
Nghiên cứu khoáng vật tại hố xanh khổng lồ cho thấy một đợt hạn hán kéo dài giữa những năm 800 và 900 có thể đã dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya cổ đại.
Hố tử thần tại Quảng Châu, Trung Quốc
Hố tử thần tại Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Popular Mechanics. |
Thành phố Quảng Châu, phía nam Trung Quốc, được biết đến là nơi có rất nhiều hố sụt. Năm 2013, hố tử thần khổng lồ xuất hiện gần một công trường xây dựng tàu điện ngầm với độ sâu 9 m, rộng 93 m2, làm nuốt chửng năm cửa hàng và một phần tòa nhà khác. May mắn không có ai bị thương.
Lê Hùng
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét