Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

(Khoa học kì thú)Dấu tích lớp vỏ Trái Đất cách đây 4,3 tỷ năm

Các mẫu đá granite ở Canada có niên đại 2,7 tỷ năm 

Jonathan O'Neil dẫn đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Ottawa, Canada, phát hiện những tảng đá granit ở bờ biển phía đông Vịnh Hudson, Canada, có niên đại 2,7 tỷ năm. Những tảng đá granit này chứa dấu vết hóa học của đá mẹ hình thành 4,3 tỷ năm trước đây, theo Nature World News. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science của Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS) hôm 17/3.

Theo ước tính của các nhà khoa học, Trái Đất có độ tuổi khoảng 4,6 tỷ năm và Mặt Trăng khoảng 4,5 tỷ năm. Những tảng đá phát hiện tại Canada là một phần lớp vỏ ban đầu của Trái Đất.

"Số lượng các tảng đá từ 3,6 đến 3,8 tỷ năm tuổi trở lên có thể đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta có quá ít mẫu đá để hiểu về lịch sử Trái Đất thuở sơ khai", O'Neil cho biết.

dau-tich-lop-vo-trai-dat-cach-day-4-3-ty-nam

Một mảnh đá granite ở Canada chứa dấu vết hoá học của lớp vỏ Trái Đất thủa ban đầu. Ảnh: Eurekalert.

Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp xác định niên đại samarium - neodymium để tìm ra độ tuổi đá mẹ của đá granit. Đồng vị Samarium-146, hiện nay không còn tồn tại, đã trải qua quá trình phân rã phóng xạ trong 500 triệu năm đầu tiên của Trái Đất. Nó phân rã thành đồng vị neodymium-142. Bất kỳ loại đá nào hình thành sau đó sẽ có tỷ lệ giống nhau giữa đồng vị neomydium-142 và các đồng vị neomydium khác.

Những tảng đá granite phát hiện ở Canada có tỷ lệ neodymium-142 và neodymium-144 thấp hơn, chứng tỏ đá mẹ của chúng phải hình thành trong những năm đầu tiên của lịch sử Trái Đất.

"Tôi nghĩ rằng đó là một phần lớp vỏ Trái Đất ban đầu. Nhiều khả năng đá mẹ là đá bazan ở lớp vỏ đại dương", O'Neil nói.

Lê Hùng

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét