Tế bào gốc BEL - A có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn máu hiến tặng. Ảnh: Krisana Sennok. |
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bristol, Anh đã tìm ra cách biến tế bào gốc của người trưởng thành thành dòng tế bào gốc erythroid "bất tử" đầu tiên trên thế giới, Business Insider hôm qua đưa tin. Erythroid là thuật ngữ chuyên ngành về quá trình tạo ra hồng cầu. Họ đặt tên nó là tế bào gốc BEL - A.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã cố gắng chuyển trực tiếp tế bào gốc thành hồng cầu trưởng thành, nhưng hiệu suất của phương pháp này rất thấp. Mỗi tế bào gốc chỉ sản xuất được khoảng 50.000 hồng cầu trước khi chết, trong khi một túi trữ máu bình thường ở các bệnh viện chứa khoảng 1.000 tỷ hồng cầu.
Trong phương pháp mới, các tế bào gốc của người trưởng thành được lấy trong giai đoạn phát triển sớm, nghĩa là có khả năng phân chia và tạo ra hồng cầu mãi mãi mà không chết, bỏ qua được bước thay thế tế bào gốc mới.
Các tế bào BEL - A này được lựa chọn từ máu hiến tặng với mục tiêu duy nhất là tạo ra tế bào hồng cầu trưởng thành.
"Chúng tôi đã chứng minh được rằng có một cách khả thi để sản xuất ổn định hồng cầu cho sử dụng lâm sàng", trưởng nhóm nghiên cứu Jan Frayne trao đổi với BBC.
"Những bệnh nhân hưởng lợi nhất là những người mắc phải các căn bệnh phức tạp như hồng cầu lưỡi liềm hoặc thiếu máu thalassemia, đòi hỏi cần được truyền máu nhiều lần. Phương pháp này không thay thế việc hiến máu mà chỉ cung cấp giải pháp điều trị chuyên khoa cho các nhóm bệnh nhân cụ thể", Dave Anstee, giám đốc của Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia Anh về các sản phẩm máu và cấy ghép, cho biết.
Các thử nghiệm tạo ra hồng cầu theo các phương pháp cũ sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm sản phẩm từ BEL - A trên bệnh nhân ngay sau đó. Nếu vượt qua được thử nghiệm lâm sàng, phương pháp này có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong truyền máu.
Thành Minh
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét