Ảo ảnh Fata Morgana
Ảo ảnh Fata Morgana khiến hình ảnh của các vật thể ở xa bị biến dạng. Ảnh: Asmus Koefoed. |
"Tàu ma" giữa hồ Superior, Michigan, Mỹ, vào tháng 10/2016
Đối với các thủy thủ, Fata Morgana là một hiện tượng rất đáng sợ. Đây là ảo ảnh xảy ra trên biển cả, khiến các vật thể xa xôi như tàu bè hay đường bờ biển xuất hiện trôi nổi trên bầu trời, theo Mother Nature Network.
Ảo ảnh quang học Fata Morganas được đặt theo tên của Morgan le Fay, phù thủy trong truyền thuyết kể về vua Arthur. Hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng truyền đi bị khúc xạ hoặc uốn cong do sự chênh lệch nhiệt độ giữa các lớp không khí.
Trên đại dương, nhiệt độ không khí gần mặt nước thấp hơn so với lớp không khí ở trên cao, khiến ánh sáng đi qua các lớp không khí này bị khúc xạ. Hiện tượng này tạo ra sự bóp méo và đảo ngược hình ảnh của những vật thể ở xa như tàu thuyền, đôi khi xuất hiện giống các tòa nhà chọc trời do hình ảnh xếp chồng lên nhau.
Hiện tượng Mặt Trời giả
Mô phỏng quá trình phản xạ ánh sáng tạo ảo giác ba Mặt Trời cùng xuất hiện trước mắt người quan sát. Ảnh: Telegraph. |
Người dân Mông Cổ chứng kiến hiện tượng ba Mặt Trời vào ngày 18/1/2015
Theo Telegraph, hiện tượng Mặt Trời giả xuất hiện khi ánh sáng trên cao đi qua các tinh thể băng trong không khí ở độ cao 5-10 km. Ngoài Mặt Trời thật ở vị trí trung tâm, người quan sát còn nhìn thấy nhiều "Mặt Trời" khác ở xung quanh.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này xảy ra ở nhiệt độ ngoài trời xuống dưới -30 độ C, khiến không khí có nhiều hơi nước và các tinh thể băng.
Quầng tinh thể được nhìn thấy khi Mặt Trời ở gần đường chân trời, trên cùng mặt phẳng theo phương ngang của người quan sát và các tinh thể băng. Ánh sáng xuyên qua tinh thể băng bị bẻ cong một góc khoảng 22 độ trước khi phản chiếu đến mắt, tạo ra các mặt trời giả.
Ảo ảnh sa mạc
Ảo ảnh khiến chúng ta dường như nhìn thấy nước trên bề mặt sa mạc. Ảnh: Loskutnikov. |
Ảo ảnh xuất hiện trên đường khi trời nắng nóng
Ảo ảnh sa mạc xảy ra do ánh sáng bị uốn cong khi di chuyển qua lớp không khí ấm hơn và có mật độ thấp hơn.
Trên sa mạc, không khí nóng nhất ở gần bề mặt và mát hơn khi lên cao. Đây là lý do tại sao ánh sáng bị khúc xạ xuống phía dưới, khiến mắt người quan sát nhìn thấy màu sắc giống như bầu trời hoặc nước trên mặt đất. Hiện tượng tương tự cũng có thể xảy ra trên đường cao tốc vào những ngày nắng nóng.
Hiện tượng bóng ma Broken
Hiện tượng bóng ma Broken trên đỉnh núi. Ảnh: Brocken Inaglory. |
Hiện tượng bóng ma Broken
Hiện tượng bóng ma Broken được đặt theo tên của đỉnh núi Broken thuộc dãy Harz, Đức, nơi người ta quan sát thấy nó lần đầu tiên.
Ánh sáng Mặt Trời từ phía sau người quan sát chiếu bóng của họ lên mây hoặc đám sương phía trước, đồng thời ở đó xuất hiện cầu vồng làm người ta nhìn thấy quanh cái bóng có ánh hào quang. Hiện tượng này thường xảy ra ở các ngọn núi nhiều sương.
Đồi nam châm
Những chiếc xe chạy đến chân đồi nam châm dường như có khả năng tự lùi lên dốc. Ảnh: Wikipedia. |
Xe tự lùi lên dốc ở đồi nam châm
Hiện tượng một chiếc xe hơi chạy ngược lên đồi mà không cần lực tác động xảy ra ở "đồi nam châm" thuộc New Brunswick, Canada vào năm 1931. Hiện tượng này khiến người ta có cảm giác chiếc xe hơi sau khi chạy xuống dốc có thể lùi ngược lên đỉnh đồi trong khi tài xế không cần đạp ga.
Sau này, "lực từ" bí ẩn được chứng minh là một ảo giác quang học do khung cảnh xung quanh con đường gây nên, và đoạn dốc lên thật ra là dốc xuống.
Cột sáng
Hình ảnh cột sáng nhiều màu tại Ontario, Canada, vào ngày 6/1/2017. |
Những cột ánh sáng kỳ ảo trên bầu trời Canada
Cột sáng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ giảm xuống rất thấp tại những nơi thuộc vùng cực của Trái Đất. Vào một số đêm đông lạnh, tinh thể băng dẹt nằm ở tầng cao khí quyển có thể rơi xuống gần mặt đất hơn. Chúng phản chiếu ánh sáng phát ra từ xe hơi, đèn đường và nhiều nguồn sáng khác. Kết quả tạo ra những cột ánh sáng lộng lẫy, chiếu thẳng lên bầu trời.
"Giống như hào quang, những cột sáng đơn thuần là tập hợp ánh sáng từ hàng triệu tinh thể băng phản chiếu đến mắt bạn hoặc máy ảnh", Les Cowley, chuyên gia quang học khí quyển ở trang Atmospheric Optics, cho biết.
Chớp sáng xanh lục khi Mặt Trời lặn
Hiện tượng chớp xanh lục khi Mặt Trời khuất sau đường chân trời. Ảnh: Brocken Inaglory. |
Chớp xanh lục xuất hiện vào những giây cuối cùng trước khi Mặt Trời lặn
Trong những giây cuối trước khi Mặt Trời lặn hẳn, các tia sáng chuyển sang màu xanh lục rực rỡ. Tuy nhiên, Mặt Trời không hề đổi màu, chớp xanh hình thành chính là do ảo ảnh. Vì thời gian xuất hiện chỉ một vài giây, nên chúng ta rất khó quan sát hiện tượng này.
Ánh sáng trắng của Mặt Trời đi qua bầu khí quyển bị tán sắc thành những màu khác nhau, tương tự như khi chiếu ánh sáng qua lăng kính. Bầu khí quyển Trái Đất đóng vai trò như lăng kính bẻ cong ánh sáng đỏ nhiều hơn cam, cam nhiều hơn vàng. Do chịu tác động bẻ cong lớn nhất, ánh sáng đỏ dường như mất hút dưới đường chân trời trước tiên, theo sau là màu cam, vàng và xanh lục.
Phổ màu sau xanh lục như xanh lam, chàm và tím bị tán xạ mạnh nhất vào khí quyển, đây là lý do màu sắc cuối cùng chúng ta nhìn thấy khi Mặt Trời lặn xuống đường chân trời là xanh lục.
Lê Hùng
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét