Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

(Khoa học kì thú)Nga phát triển phương pháp tạo khí quyển trên sao Hỏa

nga-phat-trien-phuong-phap-tao-khi-quyen-tren-sao-hoa

Sao Hỏa có thể được chinh phục trong 20-30 năm tới. Ảnh: Pixabay.

Tiến sĩ Aleksandr Popov, nhà khoa học thuộc Học viện khoa học quốc tế Nga (IAS), đăng ký 8 bằng sáng chế liên quan tới thám hiểm sao Hỏa. Trong đó có một số biện pháp nhằm xây dựng khí quyển hỗ trợ sự sống cho con người trên hành tinh này, theo Sputnik.

Popov đề xuất tận dụng vùng cực sao Hỏa, nơi có lớp băng khô (CO2) và băng đá rất dày. Cứ mỗi hai năm, phần băng CO2 sẽ tan chảy và chuyển thành dạng khí, trong khi băng đá vẫn ở dạng rắn trên bề mặt. Theo giải pháp của Popov, thiết bị  tập trung năng lượng Mặt Trời có thể làm tan chảy phần băng đá này, biến chúng thành hơi nước, tạo thành sương mù và mây trên sao Hỏa. Quá trình kéo dài sẽ dần tạo thành lớp khí quyển dày gồm hơi nước và khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tăng nhiệt độ bề mặt hành tinh này.

Nhà khoa học Nga cũng giới thiệu biện pháp tạo lá chắn ozone cho khí quyển sao Hỏa. Đó là sử dụng những sợi sắt dày thấm acid nitric. Khi xảy ra bão bụi, các hạt bụi trong không khí sẽ gây tích điện thông qua ma sát. Việc phóng điện trong khí quyển sẽ kích hoạt phản ứng phân hủy carbon dioxide thành carbon monoxide (CO) và khí oxy (O2). Khí oxy tự do có thể phản ứng với nhau nhờ sự phóng điện để tạo thành ozone.

Giới nghiên cứu tin rằng việc chinh phục sao Hỏa có thể diễn ra trong vòng 20-30 năm tới. Tiến sĩ Popov cho biết đang cải thiện hiệu quả trong các phát kiến của mình, giúp chúng có mức giá rẻ và mang tính khả thi cao hơn.

Tử Quỳnh

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét