Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

(Khoa học kì thú)Vì sao luộc trứng bằng lò vi sóng có thể phát nổ?

Lò vi sóng trở thành vật dụng phổ biến với hầu hết gia đình ngày nay do tính tiện lợi và hữu dụng như rã đông, hâm nóng, đun nấu thức ăn rất nhanh. Nó sử dụng loại sóng điện từ là sóng ngắn hay sóng viba có bước sóng khoảng 12,24 cm, hoặc với tần số khoảng 2.45 GHz. Với loại sóng này, thực phẩm có thể hấp thụ được, năng lượng của sóng không đủ phá hủy các phân tử bên trong thực phẩm để tạo ra những chất có hại cho sức khỏe. Nước, đường và các chất béo dễ dàng hấp thụ sóng viba này.

Khi các sóng viba xuyên vào sâu bên trong thực phẩm sẽ truyền năng lượng cho nước. Dưới tác động của điện từ trường, các nguyên tử oxy và hydro cấu tạo nên phân tử nước thay đổi cực khoảng 2,45 tỷ lần trong một giây. Điều này khiến cho các phần tử nước quay đi quay lại, va chạm và cọ sát để sinh ra nhiệt làm nóng thực phẩm. Lượng nhiệt sinh ra có thể làm chín thức ăn trong thời gian ngắn. Thực phẩm chứa càng nhiều nước thì thức ăn càng nhanh được làm chín.

Các chất rắn hoặc hỗn hợp chứa ít nước như thủy tinh, nhựa, gốm sứ thì lại hấp thụ rất ít sóng viba nên chúng ít bị làm nóng. Đó là lý do chúng ta sử dụng những chất liệu này làm đồ đựng để nấu nướng trong lò vi sóng.

Từ nguyên lý trên, quay trở lại với trường hợp quả trứng. Khi cho trứng sống vào lò vi sóng, lòng trắng và lòng đỏ chứa nhiều nước bị làm nóng nhanh và giãn nở mạnh; trong khi kích thước của vỏ trứng không thay đổi là bao. Nhiệt sinh ra nhanh chóng trong quả trứng sẽ tạo nên một áp suất từ trong hướng ra ngoài vỏ, khiến những lớp bao ngoài không kịp giãn nở theo nên sẽ gây nổ. Chúng ta có thể nghe thấy tiếng nổ lốp bốp, thậm chí áp lực lớn còn gây nổ, mất an toàn.

Nếu muốn luộc trứng bằng lò vi sóng thì có thể dùng tô thủy tinh, sứ chuyên dụng đổ nước pha thêm chút muối và thả trứng sao cho ngập nước. Hỗn hợp nước và muối được sóng vi ba làm nóng sẽ sinh nhiệt giúp trứng nóng đều không gây nổ.

Với trường hợp trứng đã chín cũng có thể bị nổ khi cho vào lò vi sóng, bởi trong lòng đỏ và trắng vẫn chứa nhiều nước.

Nguyễn Đức Phường (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét