Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

(Tin nóng về giáo dục)Dự thảo tuyển sinh trung cấp, cao đẳng: Cho tuyển sinh quanh năm

Theo đó, Dự thảo lấy ý kiến từ 26/9/2016 và ngày hết hạn lấy ý kiến vào 26/11/2016. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi chung là trường) có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định. Thông tư không áp dụng cho việc tuyển sinh trình độ sơ cấp, tuyển sinh theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, đi học ở nước ngoài và đào tạo thường xuyên.

Dự thảo lấy ý kiến từ 26/9/2016 và ngày hết hạn lấy ý kiến vào 26/11/2016. Ảnh minh họa

Cho phép tuyển sinh quanh năm

Một điều đáng chú ý trong dự thảo là cho phép các trường được tuyển sinh quanh năm. Theo đó, các trường có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm do Hiệu trưởng các trường quyết định. Việc tổ chức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh đã được xác định theo quy định. Chỉ tiêu tuyển sinh của năm nào chỉ được áp dụng trong năm đó.

Trước mỗi đợt tuyển sinh ít nhất 30 ngày, các trường công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nội dung công bố công khai bao gồm ít nhất các thông tin sau: Đối tượng tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện dự tuyển, tiêu chí xét tuyển, nội dung thi tuyển năng khiếu (nếu có), hồ sơ dự tuyển, thời gian tuyển sinh, vùng tuyển sinh (nếu có), ngành hoặc nghề đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, học phí và các nội dung khác (nếu có).

Trong công tác Tổ chức tuyển sinh, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) thực hiện các nhiệm vụ: Xác định và công bố công khai tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành, nghề; căn cứ hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào CĐ, TC, quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành hoặc nghề học của các đối tượng.

Đối với trường có các ngành năng khiếu và có tổ chức sơ tuyển: xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển, phương thức tổ chức thi và phương thức xét tuyển môn năng khiếu.

Đối với các trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng thực hiện theo quy định: Xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh; lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh. Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi (nếu tổ chức thi tuyển); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Kết quả thi của thí sinh vào trường có tổ chức tuyển sinh riêng bằng phương thức thi tuyển chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác; đối với ngành năng khiếu, các trường có thể xét tuyển thí sinh đã dự thi vào ngành hoặc nghề đó tại các trường khác và phải quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường.

Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển CĐ, TC Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Trường đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).

Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ CĐ, phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành hoặc nghề học phù hợp và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.

Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận...

Công Luân

Tin giáo dục 24/7 hàng giờ sẽ được cập nhật hàng ngày trên chuyên trang giáo dục. Chúc các bạn một ngày làm việc nhiều năng lượng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét