Miệng hố Batagaika hay còn gọi là Cổng địa ngục trải dài hơn 0,8 kilomet, sâu 91 m và đang mở rộng với tốc độ khoảng 10 - 30 m mỗi năm do sự tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu, theo BBC. Thông qua xem xét các lớp đất cổ đại lộ ra trong quá trình miệng hố mở rộng, giới nghiên cứu có thể phác họa phong cảnh trong quá khứ đồng thời dự đoán nhiều thay đổi liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu mới đăng hôm 16/2 trên tạp chí Quaternary Research, nhóm tác giả phân tích trình tự bồi tích của lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở miệng hố Batagaika, phát hiện nhiều điều kiện môi trường khác nhau qua các năm.
Giữa các tầng đất, họ tìm thấy dấu tích gỗ, chỉ ra sự hiện diện của hai lớp rừng. Lớp thấp hơn chứa lượng phấn hoa cao, cho thấy khu vực từng bao gồm vùng lãnh nguyên rộng mở. Các tầng đất cung cấp ghi chép liên tục về lịch sử địa chất tương đối bất thường của khu vực, theo nhà nghiên cứu Julian Murton ở Đại học Sussex, Anh.
Trong vài thập kỷ qua, miệng hố mở rộng nhanh khiến cánh rừng taiga ở Siberia chấn động với những tiếng nổ đáng sợ nên được đặt tên là "Cổng địa ngục". Từ khi miệng hố Batagaika đột ngột xuất hiện vào cuối thế kỷ trước, nó liên tục kéo dài hơn với tốc độ khoảng 18 m mỗi năm và hiện nay dài hơn 0,8 kilomet.
Miệng hố khổng lồ năm gần làng Batagai ở quận Verkhoyansk, Siberia, đạt độ sâu hơn 91 m. Đây là một trong những nơi lạnh nhất thế giới. Kết quả thám hiểm ở miệng hố cho thấy lớp đất từng đóng băng có niên đại 200.000 năm.
Các nhà nghiên cứu phân loại miệng hố Batagaika là megaslump, một hố sụt rỗng siêu lớn hình thành do lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy. Trong khi hố sụt rất phổ biến ở Bắc Cực, một số nhà khoa học xem Batagaika là một hiện tượng bất thường.
Miệng hố Batagaika bắt đầu hình thành sau quá trình phát quang đất rừng vào thập niên 1960. Nhiệt độ ngày càng ấm lên đẩy nhanh tốc độ, khiến lớp đất bề mặt và bên dưới sụp xuống. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra các lớp trầm tích để hiểu rõ những thay đổi trong quá khứ ở phong cảnh và hệ quả tương lai.
Phương Hoa
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét