Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

(Khoa học kì thú)Giải mã vẻ hạnh phúc trên gương mặt nàng Mona Lisa

Nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa

Các nhà khoa học tại Đại học Freiburg, Đức, tiến hành thử nghiệm cho thấy gần 100% số tình nguyện viên mô tả khuôn mặt nàng Mona Lisa trong bức họa nổi tiếng vào thế kỷ 16 của Leonardo da Vinci đang hạnh phúc. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 10/3.

"Chúng tôi thực sự rất ngạc nhiên về kết quả này", Juergen Kornmeier, đồng tác giả của nghiên cứu nói với AFP.

giai-ma-ve-hanh-phuc-tren-guong-mat-nang-mona-lisa

Gần 97% số lần quan sát của các tình nguyện viên cảm thấy khuôn mặt của nàng Mona Lisa đang hạnh phúc. Ảnh: Alamy.

Bức tranh nàng Mona Lisa thường được xem là biểu tượng của bí ẩn cảm xúc, với nụ cười duyên dáng khi mới nhìn lướt qua. Nhưng nếu nhìn lâu hơn, người quan sát sẽ cảm thấy khuôn mặt trong bức tranh trở nên buồn và có nụ cười giống như đang chế nhạo.

Kornmeier và cộng sự sử dụng công nghệ kỹ thuật số để sửa đổi bản sao đen trắng của bức tranh. Họ chỉnh sửa góc miệng của nàng Mona Lisa lên và xuống nhằm tạo ra 8 hình ảnh mới, trong đó có 4 khuôn mặt trông hạnh phúc hơn và 4 khuôn mặt trông buồn hơn.

giai-ma-ve-hanh-phuc-tren-guong-mat-nang-mona-lisa-1

Bản sao đen trắng của bức tranh nàng Mona Lisa, trong đó ảnh gốc (bên trái), ảnh chỉnh sửa trông buồn hơn (chính giữa), ảnh chỉnh sửa trông hạnh phúc hơn (bên phải). Ảnh: Scientific Reports.

Nhóm nghiên cứu xếp 9 bức ảnh, bao gồm bức ảnh gốc, lại gần nhau một cách ngẫu nhiên và đưa cho 12 tình nguyện viên quan sát. Người tham gia thí nghiệm sẽ phải mô tả từng khuôn mặt vui hay buồn. Quá trình thí nghiệm lặp lại 30 lần.

"Chúng tôi nhận thấy rằng, các tình nguyện viên cảm thấy nàng Mona Lisa trong bức tranh gốc của Da Vinci đang hạnh phúc trong 97% số lần quan sát", Kornmeier nói.

Trong giai đoạn thứ hai của thí nghiệm, nhóm nghiên cứu xếp 8 bức ảnh buồn cùng với bức ảnh gốc. Kết quả cho thấy, các tình nguyện viên vẫn mô tả bức ảnh gốc đang hạnh phúc. Nhưng cảm nhận của họ đã thay đổi. "Họ cảm thấy khuôn mặt trong bức ảnh có một chút buồn hơn so với thử nghiệm đầu tiên",  Kornmeier nói.

Phát hiện này chỉ ra rằng, chúng ta không có một thang đo cố định về hạnh phúc và nỗi buồn trong não, cảm nhận về hạnh phúc hay nỗi buồn phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh xung quanh, các nhà nghiên cứu giải thích.

Lê Hùng

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét