Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

(Khoa học kì thú)Hóa thạch 1,6 tỷ năm của sinh vật đa bào cổ nhất thế giới

hoa-thach-1-6-ty-nam-cua-sinh-vat-da-bao-co-nhat-the-gioi

Ảnh chụp tia X hóa thạch tảo đỏ phát hiện tại Ấn Độ. Ảnh: Stefan Bengtson.

Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển phát hiện hóa thạch của hai loại tảo đỏ trong những lớp đá trầm tích ở Chitrakoot, Ấn Độ, có niên đại 1,6 tỷ năm tuổi, theo Phys.org. Điều này cho thấy sinh vật đa bào tiến hóa sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology hôm 14/3.

Một trong hai loại tảo trông giống sợi chỉ, loại tảo còn lại chứa nhiều thịt hơn. Nhóm nghiên cứu có thể nhìn thấy cấu trúc tế bào riêng biệt ở bên trong hóa thạch vốn là dấu hiệu đặc trưng của tảo đỏ. Trong hóa thạch, các nhà khoa học tìm thấy lục lạp, thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật.

"Bạn không thể xác định chắc chắn 100% hóa thạch cổ đại này là gì vì chúng không còn lưu giữ ADN. Nhưng chúng mang đặc điểm hình thái và cấu trúc của tảo đỏ", Stefan Bengtson, giáo sư danh dự tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thụy Điển, cho biết.

Dấu vết sớm nhất về sự sống trên Trái Đất là hóa thạch của những sinh vật đơn bào có niên đại cách đây ít nhất 3,5 tỷ năm. Chúng không có nhân tế bào giống sinh vật nhân thực và thiếu nhiều bào quan khác. Sinh vật nhân thực đa bào kích thước lớn phát triển rất lâu sau đó, cách đây khoảng 600 triệu năm, gần thời kỳ chuyển tiếp sang Liên đại Hiển Sinh (Phanerozoic).

Hóa thạch tảo đỏ mới phát hiện tại Ấn Độ có độ tuổi sớm hơn 400 triệu năm so với những hóa thạch tảo đỏ cổ nhất từng được tìm thấy. Do đó, giới khoa học cần phải hiệu chỉnh lại cây sự sống trên Trái Đất.

"Các sinh vật đa bào có thể nhìn thấy bằng mắt thường dường như xuất hiện sớm hơn so với chúng ta nghĩ trước đây", Bengtson nói.

Lê Hùng

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét