Phi công Mỹ thoát hiểm trong gang tấc khỏi chiếc F-16 đang rơi
Phóng ghế thoát hiểm là thứ không phi công tiêm kích nào muốn dùng đến, vì nó đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ chiếc máy bay đắt tiền. Quá trình thoát hiểm phức tạp bằng ghế phóng cũng có thể khiến các phi công gặp thương tích nghiêm trọng, theo Popular Mechanics.
Các phi công tiêm kích đều đeo dù và bộ đai an toàn gắn vào ghế ngồi. Khi máy bay gặp sự cố, phi công sẽ kích hoạt hệ thống đẩy dưới ghế ngồi của mình. Rocket dưới ghế khai hỏa sẽ đẩy phi công ra khỏi buồng lái, ra xa máy bay trước khi bung dù. Quá trình này chỉ kéo dài trong vài giây.
Lực đẩy mạnh tới mức dây an toàn có thể làm bầm cả hai vai, thậm chí gãy xương đòn của phi công. Phi công cần thu đầu gối và khuỷu tay thật gọn, nếu không chân tay có thể bị đứt lìa nếu đập vào thành buồng lái.
Trên các loại tiêm kích hai chỗ hiện đại, ghế thoát hiểm được đồng bộ, chỉ cần một người kích hoạt ghế để cả hai phi công cùng thoát ra. Nhưng với các máy bay đời cũ như T-38 Talon, mỗi người sẽ phải tự kích hoạt ghế của mình.
Phi công ở ghế sau thoát hiểm ra trước, nếu không luồng lửa từ rocket ghế trước sẽ phụt thẳng vào họ. Sau khi thoát khỏi máy bay, ghế sẽ tự động tách rời, dù hãm mở ở độ cao vừa phải để phi công chạm đất ở tốc độ an toàn.
Hệ thống thoát hiểm được thiết kế tự động, nhưng trong các tình huống khẩn cấp, không ai có thể đảm bảo rằng mọi thứ sẽ hoạt động chính xác như thiết kế. Thông thường, dù hãm tự động bung ở độ cao 4.300 m hoặc thấp hơn. Nếu mở ở độ cao lớn hơn, phi công có thể bị lạnh cóng và thiếu oxy. Bên cạnh đó, không khí loãng khiến việc mở dù nguy hiểm hơn, đủ sức gây thương tích cho người lái.
Nếu rơi ở độ cao dưới 4.300 m và dù không mở, phi công phải tự kéo dây mở tán dù. Nhận biết cao độ là điều quan trọng, nhưng rất khó khăn trong tình trạng khẩn cấp. Một số phi công chia sẻ cách nhận biết đơn giản nhất là "nếu thấy mặt đất ngày càng lớn và nhanh chóng, hãy kéo dây dù".
Nếu dù mở ở độ cao lớn hơn 4.300 m và phi công bị khó thở, họ cần bấm nút ở bên phải đai an toàn để khởi động hệ thống cung cấp oxy dự phòng, đủ cho phi công thở trong vòng 8 phút.
Các trục trặc có thể xảy ra
Khi thoát hiểm, phi công cần nhanh chóng đánh giá tình hình để xác định bước tiếp theo. Họ cần kiểm tra địa hình phía dưới, độ cao mở dù và chuẩn bị tiếp đất.
Trong trường hợp thoát hiểm tầm thấp, phi công chỉ có thể quan sát tán dù để đảm bảo nó mở hoàn toàn, sau đó co chân, gập đầu gối chuẩn bị cho cú tiếp đất.
Nếu thoát hiểm ở độ cao khoảng 3.000 m, phi công sẽ có thời gian ngắn trên không để chuẩn bị cho cú tiếp đất. Đầu tiên họ cần quan sát tán dù, kiểm tra dây dù có bị xoắn hay không. Nếu dây bị xoắn, phi công cần túm dây dù, tách chúng ra hoặc đá chân thật mạnh để xoay người gỡ rối.
Phi công Nga thoát khỏi tiêm kích Su-30MKI ở độ cao thấp
Nếu dù bị kẹt và không thể gỡ rối, người lái buộc phải cắt dây. Trong đồ bay có một túi nhỏ chứa dao móc dành riêng cho việc này. Nguyên tắc bất biến là không được cắt quá 4 dây dù. Trong trường hợp cắt 4 dây mà không tìm được dây rối, phi công sẽ phải chấp nhận tình hình, chuẩn bị cho một cú tiếp đất mạnh.
Tiếp đất
Sau giai đoạn kiểm tra, việc cần làm là nâng kính che mắt và bỏ mặt nạ. Phi công cũng phải đảm bảo ghế tự rơi ra, đồ bay và nhu yếu phẩm vẫn được treo phía dưới. Nếu rơi xuống nước, họ sẽ khởi động phao cứu sinh bằng cách kéo hai tay nắm, nếu không phao sẽ tự bật ra khi chạm nước.
Trong trường hợp suôn sẻ, nhà sản xuất yêu cầu phi công kéo cả hai dây lái xuống tới hông, điều đó sẽ cắt đứt 4 dây ở một bên dù. Quá trình này đẩy dù tiến về phía trước với tốc độ khoảng 9,3 km/h.
Sau khi cắt bỏ dây, mục tiêu là sử dụng dây lái dù ngược chiều gió để hạ cánh thẳng xuống đất. Tư thế tiếp đất chính xác gồm khép chân, co đầu gối, gập cằm gần ngực. Động tác hạ cánh cũng tương tự trường hợp mở dù ở độ cao thấp, nhằm giảm thiểu lực tác động lên cơ thể.
Phi công thoát hiểm ngay trước khi chiếc F-16 đâm xuống đất. Ảnh: Reddit. |
Nếu hạ cánh thành công, phi công sẽ phải chờ lực lượng cứu hộ tới giải cứu. Trong đồ bay có bè cứu sinh tự bơm phồng cùng thiết bị như pháo sáng, khói tín hiệu, dao, đồ sơ cứu, nước uống và nhiều đồ tiếp tế cơ bản khác. Có thể mất nhiều giờ thậm chí nhiều ngày để đội cứu hộ tìm thấy phi công, đặc biệt khi trời tối hoặc họ rơi ở địa điểm xa xôi.
Nếu phải thoát hiểm khỏi máy bay chiến đấu, phi công nhiều khả năng phải chịu nhiều vết bầm tím và xây xước, có thể là cả gãy xương và đứt dây chằng. Tuy nhiên, trên tất cả, họ vẫn giữ được tính mạng sau thảm kịch.
Hòa Việt
Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét