Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

(Khoa học kì thú)Con gấu đầu tiên ở Việt Nam được 'phẫu thuật nụ cười'

Gấu ngựa Zebedee được Tổ chức động vật châu Á cứu hộ vào năm 2009 từ Huế. Gương mặt gấu không lành lặn, mũi bị hỏng hoàn toàn không thể bình phục do có lỗ thông giữa khoang mũi và miệng. Đây là di chứng từ việc bị đánh vào mặt khi còn nhỏ trong một lần cố tìm cách chạy trốn. Dị tật này khiến Zebedee dễ mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản bởi thức ăn và dị vật đi từ miệng lên khoang mũi.

con-gau-dau-tien-o-viet-nam-duoc-phau-thuat-nu-cuoi

Gấu Zebedee bị dị tật ở miệng và sẽ được phẫu thuật để tránh bệnh viêm phổi và phế quản. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Chủ tịch Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam kể, 15 năm sống trong trại gấu, Zebedee bị nhốt ở lồng sắt một góc bếp tối tăm, đến mức nhân viên cứu hộ đến không thể nhìn thấy nó đứng ở vị trí nào. Đó là quãng thời gian gấu không nhìn thấy tia nắng mặt trời.

"Khẩu phần ăn tồi tệ đã làm hỏng răng của Zebedee. Trong lần kiểm tra sức khỏe đầu tiên, bác sĩ đã phải nhổ đi 12 chiếc răng của nó. Sau này, trong lúc phẫu thuật cắt bỏ túi mật bị hỏng nghiêm trọng vì bị trích hút mật thường xuyên, bác sĩ thú y còn tìm thấy chiếc tăm trong bụng Zebedee", tiến sĩ Tuấn Bendixsen nhớ lại.

Tháng 10/2016, bác sĩ Mandala Hunter, người trực tiếp khám chữa bệnh cho Zebedee phát hiện nó bị ho và khó thở. Gấu được đưa tới bệnh viện quân y 109 (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chụp X-quang để tìm hiểu nguyên nhân và kết quả nó bị viêm phổi, viêm phế quản.

Nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ thú y đến từ nước ngoài, Zebedee đang sống vui vẻ trong khu bán hoang dã ngoài trời cùng với 20 gấu khác. Hàng ngày, nó thích nhất là nằm dài hưởng thụ những tia nắng mà trong suốt thời gian bị giam giữ không được nhận.

Tuy nhiên, để chấm dứt tận gốc căn bệnh chỉ còn cách phẫu thuật chỉnh hình, đóng lại chỗ hở lâu ngày trong khoang mũi miệng của Zebedee. Hiện các chuyên gia chủ yếu sử dụng thuốc điều trị theo đợt để chữa bệnh cho nó.

con-gau-dau-tien-o-viet-nam-duoc-phau-thuat-nu-cuoi-1

Zebedee vui chơi cùng gấu khác ở khu bán hoang dã. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.

Người tiên phong trong lĩnh vực này ở gấu là bác sĩ Alane Kosanovich Cahalane. Tổ chức động vật châu Á đã mời ông sang chữa trị cho Zebedee và một số gấu khác đang bị bệnh. Alane Kosanovich Cahalane là chuyên gia phẫu thuật thú y đầu tiên có chứng nhận của Hội phẫu thuật thú y Mỹ. 

Vào tháng 3 và tháng 4/2015, bác sĩ Cahalane đã đến Trung tâm cứu hộ gấu Thành Đô, Trung Quốc, để thực hiện hai cuộc phẫu thuật cho gấu Claudia bị gãy xương không rõ nguyên nhân. Kết quả chụp CT cho thấy đầu xương cánh tay của gấu này không hóa xương đầy đủ nên không chịu được trọng lượng cơ thể. Đây là chứng bệnh rất hiếm gặp, chưa từng được phát hiện ở bất kỳ loài gấu nào.

Bác sĩ Cahalane đặt vít và một tấm kim loại titan giúp chữa lành và gia cố chỗ xương yếu bị gãy của Claudia để nó có thể đi lại. Ông đã sử dụng mô hình in 3D xương của Claudia để lên kế hoạch trước khi phẫu thuật và đảm bảo thành công.

(Xem thêm video gấu vùng vẫy trong bể bơi sau nhiều năm bị hút mật) 

Gấu được cứu hộ tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam có đến gần 50% bị các thương tổn do quá trình bị nuôi nhốt và lạm dụng ở các trang trại. Phần lớn chúng bị cụt chi, mù mắt hoặc có tổn thương về gan, túi mật, xương khớp. Chúng không thể thả về tự nhiên mà cần sự chăm sóc liên tục về y tế.

Thông thường, gấu sẽ được khám định kỳ 2 năm một lần, nhưng với những con ốm yếu hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, các bác sĩ sẽ thăm khám và chữa trị thường xuyên hơn.

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét