Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

(Khoa học kì thú)15.000 lạc đà Qatar bị Arab Saudi trục xuất giữa căng thẳng

Arab Saudi vừa ra lệnh trục xuất khoảng 15.000 con lạc đà của Qatar đang được chăn thả ở nước này, sau khi Riyadh quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, theo Reuters.

Quyết định cô lập Qatar của Arab Saudi và nhiều  nước vùng Vịnh hôm 5/6 đã khiến hàng nghìn lạc đà Qatar kẹt lại ở biên giới Saudi Arabia trong nhiều ngày, chịu cảnh thiếu thức ăn và nước uống.

Lạc đà vai trò quan trọng trong văn hóa và truyền thống Qatar, nhưng người dân nước này có rất ít địa điểm để chăn thả chúng. Trước đây, họ thường đưa lạc đà tới chăn thả ở sa mạc Arab Saudi vào mùa đông để chuẩn bị cho các cuộc đua hay cuộc thi sắc đẹp của loài vật đặc biệt này.

Lạc đà vượt qua biên giới ở vùng sa mạc hẻo lánh của Saudi Arabia vào Qatar ngày 20/6. Ảnh: Reuters.

Lạc đà vượt qua biên giới ở vùng sa mạc hẻo lánh của Saudi Arabia vào Qatar ngày 20/6. Ảnh: Reuters.

"Bầy lạc đà đang chết đói. Một số con đực đánh nhau và ở trong tình trạng rất tệ", một người chủ đàn lạc đà bị kẹt ở biên giới Arab Saudi nói. "Anh trai tôi vẫn còn 10 hay 11 con lạc đà ở Arab Saudi".

Hình ảnh đàn lạc đà chịu cảnh đói khát xuất hiện trên báo Qatar hôm 19/6 thổi bùng cơn giận của Doha, kéo theo việc chính quyền gửi các đoàn xe chở lương thực và nước uống đến giải cứu đàn gia súc.

Đàn lạc đà sau đó được đưa qua biên giới để trở về Qatar vào ngày 20/6. "Chúng tôi chỉ muốn sống cuộc sống của mình, đến Arab Saudi chăm sóc đàn lạc đà rồi quay về nhà chăm lo cho gia đình", một người chủ lạc đà chia sẻ.

Lạc đà có vòng đời trung bình 40-50 năm, cơ thể có nhiều đặc điểm giúp chống chịu tình trạng thiếu nước. Tế bào hồng cầu của lạc đà có hình bầu dục nên dễ dàng di chuyển khi lạc đà bị mất nước và chịu được sự thẩm thấu nước lớn, không bị vỡ với khả năng uống 200 lít nước chỉ trong ba phút của lạc đà.

Lạc đà cũng có khả năng thay đổi nhiệt độ cơ thể để sống sót trong điều kiện khắc nghiệt, ở mức 34 độ C vào bình minh, tăng lên 40 độ C trong ngày và giảm trở lại khi đêm xuống. Khi lạc đà thở, hơi nước được giữ lại trong mũi và hấp thụ trở lại cơ thể.

Vũ Phong

Nơi đón những câu hỏi khoa học kì thú chưa lời giải đáp thỏa đáng của các bạn. Chúc các bạn một ngày vui!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét